A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thuốc giả tràn lan tại châu Phi

The Guardian dẫn kết quả một dự án nghiên cứu lớn cho thấy, 1/5 số thuốc ở châu Phi có thể là thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả. Thông tin này làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về một vấn đề nhức nhối có thể góp phần gây ra cái chết của vô số bệnh nhân tại khu vực này.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Bahir Dar (Ethiopia) đã phân tích 7.508 mẫu thuốc và phát hiện có tới 1.639 mẫu không vượt qua ít nhất một cuộc kiểm tra chất lượng và được xác nhận là kém chất lượng hoặc thuốc giả. Malawi là quốc gia có tỷ lệ thuốc kém chất lượng và thuốc giả cao nhất ở châu Phi.

Thuốc kém chất lượng và thuốc giả đe dọa sức khỏe người dân châu Phi. Ảnh: The Guardian 

Bà Claudia Martinez, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Quỹ Tiếp cận thuốc, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) đã mô tả phát hiện này là mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng. Bà Martinez cho biết: “Nếu bệnh nhân dùng thuốc kém chất lượng hoặc hoàn toàn là thuốc giả, quá trình điều trị của họ sẽ không thành công hoặc thậm chí bị tử vong”. Theo bà Martinez, việc có nhiều bên trung gian trong khâu phân phối dược phẩm ở châu Phi khiến thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả dễ dàng xâm nhập vào chuỗi cung ứng. Bà Martinez kêu gọi chính phủ các nước châu Phi, cơ quan quản lý quốc gia và các công ty sản xuất, bán dược phẩm cần hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề này bằng cách cải thiện dịch vụ hậu cần và triển khai các hệ thống giám sát tốt hơn.

Theo số liệu do Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm công bố năm ngoái, thuốc giả và kém chất lượng gây ra 500.000 ca tử vong mỗi năm ở khu vực châu Phi cận Sahara. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, thuốc kháng sinh và thuốc chống sốt rét bị làm giả nhiều nhất ở châu Phi. Thuốc kháng sinh kém chất lượng hoặc giả có thể chứa liều lượng không đúng hoặc thành phần hoạt chất không đúng, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả và các chủng vi khuẩn kháng thuốc vẫn sống sót. Việc sử dụng những sản phẩm như vậy có khả năng thúc đẩy tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng.

LÂM VŨ


Tags: châu Phi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết