A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bức tranh kinh tế Trung Đông u ám

“Thùng thuốc súng” Trung Đông vốn đang nóng nay càng thêm sôi sục sau hai vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Iran và chỉ huy cấp cao Hezbollah ở Lebanon. Nếu các bên không kiềm chế khiến một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra, bức tranh kinh tế của các quốc gia trong khu vực được dự báo sẽ là một màu xám u ám.

Thảm họa với Lebanon

Bài viết mới đây trên The National cho rằng, kịch bản chiến tranh toàn diện sẽ là thảm họa đối với Lebanon-quốc gia đang sa lầy trong tình trạng bất ổn về kinh tế, chính trị. Theo bài viết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Lebanon có thể giảm tới 15% nếu xung đột Israel-Hezbollah leo thang trên lãnh thổ nước này.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Tehran, Iran. Ảnh: EPA 

Lebanon đã trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế kỷ và rơi vào bế tắc chính trị khi đất nước không có tổng thống kể từ tháng 10-2022. Nếu chiến tranh quy mô lớn nổ ra, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, điều này sẽ tác động tới đời sống kinh tế-xã hội và gây ra hậu quả tàn khốc với quốc gia vốn đang gặp vô số khó khăn này.

Theo công ty phân tích dữ liệu S&P Global, trong kịch bản xung đột leo thang, những mục tiêu đầu tiên tại Lebanon có thể bị tấn công bao gồm các tài sản quân sự của Hezbollah trong hoặc gần các cơ sở hạ tầng quan trọng như: Sân bay quốc tế Beirut (Rafic Hariri), các cảng biển Beirut, Sidon, Tyre và những cảng nhỏ hơn ở miền Nam Lebanon.

Dựa trên dữ liệu các cuộc tấn công gần đây, có thể dự báo nền kinh tế quốc gia Trung Đông sẽ chịu thiệt hại nặng từ xung đột. Ước tính GDP sẽ suy giảm 10-15% trong năm nay, Nassib Ghobril, người đứng đầu nhóm nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng Byblos có trụ sở tại Beirut cho biết.

Tác động nặng nề tới kinh tế Israel

Đương nhiên, hậu quả mà một cuộc chiến tranh toàn diện để lại sẽ không giới hạn ở lãnh thổ một quốc gia. Chiến sự leo thang sẽ kéo theo những tổn thất gia tăng với nền kinh tế của tất cả quốc gia trong khu vực. Điều này có thể thấy rõ ở nền kinh tế Israel.

Theo The National, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đã chậm lại kể từ khi xung đột ở dải Gaza bùng phát ngày 7-10-2023. Trong khi đó, các khoản chi tiêu quân sự, sơ tán dân và bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại đã khiến thâm hụt ngân sách quốc gia tăng cao kỷ lục. Israel buộc phải vay nợ để trang trải cho xung đột với Hamas. Hậu quả là các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Israel từ mức ổn định xuống tiêu cực. Vào tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Israel cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này do tác động của cuộc xung đột ở Gaza.

“Một cuộc chiến tranh toàn diện có thể làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn không mấy khả quan của Israel. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách cao kỷ lục, Israel sẽ chịu áp lực rất lớn nếu phải tăng chi tiêu cho một chiến dịch quân sự kéo dài trên diện rộng. Ngoài ra cũng có dấu hiệu cho thấy các công ty quốc tế đang trì hoãn đầu tư vào Israel”, Gary Dugan, Giám đốc điều hành của The Global CIO Office-một doanh nghiệp có trụ sở tại Dubai, nhận định.

Đòn giáng mạnh vào Iran

Trong khi đó, với Iran, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo. Theo The National, xung đột lan rộng sẽ cản trở những nỗ lực của Tehran nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với các quốc gia trong khu vực và quốc tế để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, hạ tầng dầu khí của nước này.

Vài năm trở lại đây, nền kinh tế Iran tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khả quan, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của nước này đang trên đà giảm tốc, dự kiến sẽ chỉ dừng lại ở mức 3,3% trong năm nay và 3,1% vào năm 2025.

Việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và theo đuổi các cải cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước là những ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. “Dù vậy, bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào trong khu vực cũng có thể dẫn những biện pháp thắt chặt thay vì nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran”, ông Gary Dugan cho hay.

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo, hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng. Mối đe dọa kinh tế lớn nhất là nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ dẫn đến giá dầu tăng đột biến, tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, theo nhà kinh tế Maya Senussi của công ty tư vấn Oxford Economics, các ngành du lịch, vận tải và bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu toàn bộ Trung Đông rơi vào miệng hố chiến tranh.

BẢO CHÂU


Tags: Trung Đông
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết