A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024: Nhen nhóm nỗi lo an ninh mạng

Việc chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bị tin tặc “hỏi thăm” đã trở thành vụ xâm phạm an ninh mạng đáng kể trong bối cảnh chỉ còn ít tháng nữa diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

The Washington Post đưa tin, ngày 10-8, đội ngũ tham gia chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump thông báo hệ thống email của họ bị tin tặc tấn công, đồng thời đổ lỗi cho các nguồn tin nước ngoài phát tán thông tin liên lạc và hồ sơ nội bộ về ứng cử viên Phó tổng thống J.D.Vance, hiện là Thượng nghị sĩ bang Ohio.

Những tài liệu được ghi ngày hoàn tất là 23-2, tức khoảng 5 tháng trước khi ông Vance được chọn làm “phó tướng” cho cựu Tổng thống Donald Trump để cùng đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và “phó tướng” J.D.Vance trong một buổi vận động tranh cử tại bang Michigan. Ảnh: Getty Images 

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump, ông Steven Cheung khẳng định số tài liệu đó bị “nguồn nước ngoài không có thiện cảm với Mỹ” thu thập bất hợp pháp nhằm can thiệp vào bầu cử năm 2024 và gieo rắc hỗn loạn trong quy trình dân chủ của xứ cờ hoa. Mặc dù có ngụ ý rằng Iran đứng sau vụ việc, song chiến dịch của ông Trump không đưa ra bằng chứng trực tiếp. “Bất kỳ hãng tin hay truyền thông nào xuất bản lại các tài liệu này, hoặc trao đổi nội bộ, đều đang tiếp tay cho kẻ thù của Mỹ”, The Washington Post dẫn lời ông Cheung nêu rõ trong một buổi họp báo.

Động thái đến từ chiến dịch tranh cử của ông Trump diễn ra ngay sau khi hãng Politico cho biết họ nhận được email về chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ từ một nguồn tin từ chối tiết lộ danh tính, trong đó bao gồm thông tin nghiên cứu về Thượng nghị sĩ Vance. Nguồn tin tuyên bố sở hữu nhiều tài liệu từ các cuộc thảo luận của đội ngũ pháp lý và chiến dịch hỗ trợ ông Trump. Khi được hỏi về nguồn gốc của các tài liệu, nguồn tin “khuyên” Politico không nên tìm hiểu thêm, với lý do có thể gặp rủi ro pháp lý và cá nhân.

Bên cạnh đó, đội ngũ của cựu Tổng thống Donald Trump còn đề cập thông tin đến từ các nhà nghiên cứu Microsoft công bố báo cáo ngày 9-8, trong đó cho biết những tin tặc có sự liên hệ với chính quyền Tehran hồi tháng 6 đã tìm cách tấn công tài khoản của “một nhân vật cấp cao” trong chiến dịch tranh cử tổng thống khi xâm nhập tài khoản của một cựu cố vấn để gửi email chứa mã độc đến nhân vật này. Tuy nhiên, theo Reuters, người phát ngôn của Microsoft từ chối nêu tên các quan chức bị nhắm mục tiêu hoặc cung cấp thêm thông tin chi tiết. 

Cùng ngày, Nhà Trắng nhấn mạnh lên án mọi nỗ lực can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử của Mỹ sau khi chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump bị tấn công mạng. Theo CNN, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) thông báo sẽ nghiêm túc xem xét mọi trình báo về can thiệp từ nước ngoài vào cuộc bầu cử, song không quy trách nhiệm cho bất cứ chủ thể nào. “Như chúng tôi đã nói nhiều lần, chính quyền Washington lên án mạnh mẽ bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nước ngoài nào cố gắng can thiệp vào tiến trình bầu cử của chúng tôi hoặc tìm cách làm suy yếu niềm tin vào các thể chế dân chủ của Mỹ”, CNN dẫn tuyên bố của người phát ngôn NSC.

Bộ Ngoại giao Iran và phái đoàn thường trực của nước này tại Liên hợp quốc chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Trước đó, phái đoàn thường trực Iran từng khẳng định cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là vấn đề nội bộ mà Iran không can thiệp.

Theo Giáo sư Thomas Rid tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tấn công mạng và lộ lọt thông tin trong kỳ bầu cử là tình trạng nghiêm trọng, có khả năng tác động đến dư luận, phát tán tin giả và rất khó để xử lý. Vụ việc này gợi nhớ tới đợt tấn công mạng năm 2016 nhằm vào các quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử năm đó, dẫn đến việc rò rỉ những email bất lợi cho ứng viên tổng thống của đảng này. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Mark Warner nêu lên quan ngại rằng, các đánh giá tình báo được giải mật đã xác định “một loạt kẻ tấn công mạng nước ngoài hay tội phạm mạng có động cơ lợi ích” đang tìm cách gây ảnh hưởng đến nền chính trị Mỹ, nhất là trong mùa bầu cử năm nay.

NGÂN KHÁNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết