A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ngành Giáo dục Thủ đô đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Chú trọng chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học trên địa bàn TP Hà Nội đang được xem là bước tiến mới cho ngành Giáo dục Thủ đô, giúp phụ huynh giảm được nỗi lo khi gửi con mình tới trường.

Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin

Đồng chí Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện chủ đề năm học 2023 - 2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo" với 10 nội dung cụ thể.

Trong đó, Hà Nội tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường; trong công tác giảng dạy và học tập; khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả của trung tâm điều hành giáo dục thông minh thành phố Hà Nội.

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục Thủ đô

Đồng chí Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã đã tích cực đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin.

Như tại điểm trường Tiểu học Nghĩa Dũng (quận Ba Đình, Hà Nội), giáo viên luôn lồng ghép các phương pháp dạy học tích hợp vào trong giảng dạy để học sinh được chủ động nắm bắt khám phá kiến thức.

Với lợi thế về công nghệ thông tin, cô Lê Thị Na Sa - Nhà giáo tâm huyết sáng tạo năm 2023 cho biết: "Tôi luôn lồng ghép các phương pháp dạy học tích hợp công nghệ thông tin vào trong giảng dạy để học sinh được chủ động nắm bắt khám phá kiến thức. Tôi xây dựng phương pháp dạy học “Học thông qua chơi”, một phương pháp nhằm phát huy hết những năng lực và phẩm chất của học trò.

Thông qua các trò chơi ở bài giảng điện tử học sinh dễ nắm bắt kiến thức. Những hình ảnh, video màu sắc rõ ràng, sinh động rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi khiến học sinh càng thêm thích thú, hào hứng học tập. Điều này giúp nâng cao được chất lượng dạy và học hiệu quả; giúp sự tương tác giữa cô và trò trong mỗi giờ học diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái".

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục Thủ đô

Với lợi thế về công nghệ thông tin, cô Na Sa luôn lồng ghép các phương pháp dạy học tích cực vào trong giảng dạy để học sinh được chủ động nắm bắt khám phá kiến thức

Hay tại điểm trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo Duy Thị Khánh Hường cũng luôn trăn trở làm sao để học sinh được làm quen và tiếp xúc với kiến thức công nghệ, giúp theo kịp với công nghệ kỹ thuật thế giới. Vì vậy, cô quyết định bắt tay tìm hiểu, thu thập và xây dựng các tài liệu để có thể chia sẻ với mọi người.

Đến năm 2023, cô Khánh Hường xây dựng trang web “Miền gieo hạt” với lượng tài liệu rất lớn cung cấp tương đối đầy đủ các kiến thức có liên quan đến dạy và học cho học sinh lớp 1.

Trong trang web, cô Khánh Hường xây dựng 6 nội dung, bao gồm: Đồng hành cùng con; tài liệu rèn đọc; tài liệu rèn viết; bài tập cuối tuần; học mà chơi - chơi mà học và giáo án.

Cùng với đó, website “Miền gieo hạt” còn đặc biệt có thể hỗ trợ những học sinh vì hoàn cảnh không thể đến trường, phụ huynh cũng có nguồn tài liệu để hỗ trợ con học tập tại nhà…

Đến nay, website “Miền gieo hạt” không chỉ được chia sẻ, áp dụng ở tại trường Tiểu học Đền Lừ mà còn được áp dụng ở các trường khác trong quận và thành phố Hà Nội.

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục Thủ đô

Cô giáo Duy Thị Khánh Hường hướng dẫn học sinh học tập qua website "Miền gieo hạt"

Mặt khác, để có sự phát triển vững chắc trong xu thế số hóa hiện nay, UBND quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng trường học thông minh tại một số trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận giai đoạn 2023 - 2025 (Kế hoạch 163).

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, Kế hoạch 163 góp phần chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học tại một số trường học thuộc quận giai đoạn 2023 - 2025; kịp thời xây dựng trường học thông minh ngay sau khi có tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, Ba Đình đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng mạng Internet hiện đại, tập trung vào đầu tư mạng có dây băng thông rộng với thiết bị và dây dẫn đạt chuẩn; đầu tư hạ tầng mạng không dây băng thông rộng với thiết bị phát wifi chuyên dụng; nâng cấp hạ tầng mạng LAN, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên ứng dụng phần mềm trực tuyến trong các tiết học, xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu số dùng chung, như bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng…

Ngoài ra, quận sẽ chú trọng đầu tư camera để đảm bảo an ninh trường học. Đặc biệt, các vị trí quan trọng trong trường cũng như camera lớp học kết hợp thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tích hợp, kết nối đồng bộ, liên thông, tương hỗ với các hệ thống liên quan khác như thẻ từ, quét vân tay... để nhận dạng khuôn mặt. Đồng thời, quận đầu tư camera PTZ để ghi hình lớp học để phục vụ chuyển đổi số lớp học, tự động số hóa bài giảng và các hoạt động lớp học thành học liệu số.

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục Thủ đô

Học sinh được cô giáo hướng dẫn thao tác trên thiết bị công nghệ

Kế hoạch chỉ rõ các trường học sẽ được đầu tư hệ thống loa thông báo chỉ huy từ phòng điều hành chỉ huy của nhà trường, màn hình tương tác thông minh kết hợp các phần mềm quản lý, dạy học liên quan tại lớp học, bảng từ kéo.

“Song song với đó, quận Ba Đình cũng tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kết hợp tập huấn sử dụng phần mềm, kiến thức sư phạm thông minh, bài giảng thông minh”, Chủ tịch UBND quận Ba Đình chia sẻ.

Theo Kế hoạch 163, trước mắt, có 3 trường học thông minh được triển khai gồm: Trường Mẫu giáo Mầm non A, Tiểu học Thủ Lệ và Trung học cơ sở Thống Nhất, dự kiến hoàn thành đầu tư năm 2025.

Dự kiến, quận Ba Đình sẽ xây dựng trung tâm điều hành thông minh; đầu tư, đồng bộ các thiết bị và các phần mềm liên quan; kết nối liên thông các phần mềm thông minh như: Điểm danh nhận diện khuôn mặt, nhận diện cảm xúc học sinh, tự động ghi bài giảng, quản lý tập trung wifi...

Về kinh nghiệm thực hiện, UBND quận Ba Đình đã tham khảo các mô hình phổ biến trên thế giới về trường học thông minh để áp dụng công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, các phương pháp dạy và học áp dụng giáo dục thông minh, chương trình giảng dạy thông minh…

UBND quận Ba Đình dự kiến triển khai thực hiện, nghiệm thu, đưa vào sử dụng cũng như quyết toán dự án trong năm 2024. Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách quận và khuyến khích xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nguồn hợp pháp khác.

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục Thủ đô

Tiết học trở nên sôi động, ý nghĩa nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin

Mở rộng mạng lưới thí điểm mô hình giáo dục thông minh

Là lá cờ đầu trong công tác dạy và học trên cả nước, vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng Huyện ủy Đông Anh đã tổ chức hội nghị triển khai thí điểm mô hình giáo dục thông minh, nhằm mở rộng thêm mạng lưới thí điểm trên địa bàn Hà Nội.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh: “Huyện hiện có 93,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 36,4% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đứng trong tốp đầu của thành phố; 7 trường được xây dựng theo định hướng mô hình trường công lập chất lượng cao.

Đặc biệt, ngành Giáo dục huyện Đông Anh luôn quan tâm việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng giáo dục thông minh trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi và kiểm tra đánh giá học sinh”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, việc chuyển đổi số trong giáo dục được ngành rất quan tâm. Sở là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu thành phố về nội dung này.

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục Thủ đô

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng quà huyện Đông Anh (Ảnh: Thống Nhất)

Đại diện Sở GD&ĐT cũng cho biết, trong kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 - 2025, với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh, tại các trường học trên địa bàn thành phố không còn hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng để nộp hồ sơ tuyển sinh. Đến thời điểm này, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các cấp học đều đạt gần con số tuyệt đối.

Chia sẻ về những thế mạnh, tiềm năng cũng như kế hoạch phát triển huyện Đông Anh những năm tiếp theo, ông Lê Trung Kiên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh bày tỏ, sự quan tâm của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ góp phần định hướng về phương pháp, cách thức cho huyện trong việc nhân rộng mô hình giáo dục thông minh, góp phần xây dựng thành công dự án thành phố thông minh.

Trước đó, tháng 1/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội và một số đơn vị đã triển khai thí điểm mô hình trường học thông minh tại trường Trung học cơ sở Xuy Xá (huyện Mỹ Đức).

Ứng dụng căng tin thông minh trong trường học

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bậc cha mẹ phụ huynh.

Hiểu được điều đó, tháng 4 vừa qua, trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) đã thí điểm xây dựng mô hình căng tin thông minh trong trường học. Với mô hình này, phụ huynh có thể từ xa kiểm soát được việc con mình ăn gì, uống gì khi mua đồ ăn tại căng tin nhà trường.

Điểm đặc biệt ở chỗ, căng tin thông minh không chỉ giúp nhà trường kiểm soát được nguồn thực phẩm đưa đến cho học sinh mà phụ huynh cũng có thể theo dõi được con ăn gì, uống gì khi ở trường thông qua phần mềm trên điện thoại. Nhờ đó, mối lo mất an toàn thực phẩm khi ở trường của cả học sinh và phụ huynh cũng được giảm đi.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết