Big Data: Bí quyết thành công của các nhà bán hàng trực tuyến trong kỷ nguyên số
Doanh nghiệp thương mại điện tử đối mặt với nguy cơ tụt hậu và mất khách hàng trong thị trường khốc liệt. Big Data giúp giải quyết nỗi lo này bằng cách phân tích hành vi người tiêu dùng, xác định sản phẩm ngách, thiết lập chiến lược giá thông minh và cải thiện hình ảnh sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng doanh thu và giữ vững vị thế.
Big Data - Nhân tố bẻ lái cục diện thị trường
Từ một dịch vụ thuê DVD qua thư cơ bản, đến nay, Netflix đã trở thành công ty truyền thông lớn thứ tư trên thế giới (theo Forbes năm 2022). Sự thành công của Netflix là minh chứng rõ nét nhất cho sức ảnh hưởng tích cực của Big Data đối với 1 doanh nghiệp.
Với việc áp dụng dữ liệu lớn, Netflix có thể đề xuất phim và chương trình truyền hình cho khách hàng dựa trên sở thích và nhu cầu của họ, qua đó cung cấp những nội dung tốt nhất cho khán giả. Nhờ vậy, nền tảng này luôn có tỷ lệ duy trì khách hàng ấn tượng: sau 1 năm, trung bình có 2/3 khách hàng đang thanh toán hàng tháng của Netflix vẫn duy trì đăng ký (Theo số liệu từ Bloomberg Second Measure). Đây là tỷ lệ duy trì thuộc nhóm cao nhất trong ngành hàng. Ngoài ra, sau 2 năm, 60% khách hàng vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ, sau 3 năm, chỉ số này ở mức 55%. Điều này chứng tỏ Netflix đã duy trì sức hấp dẫn lâu dài đối với người dùng, thậm chí khi phải đối mặt với thay đổi giá gói dịch vụ và sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu khác.
Theo báo cáo của Forrester, các công ty tập trung vào trải nghiệm khách hàng có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu nhanh hơn 1.4 lần và giá trị khách hàng cao hơn 1.6 lần so với các công ty không đầu tư vào trải nghiệm khách hàng. Một nghiên cứu khác của PwC chỉ ra rằng 32% khách hàng sẽ ngừng giao dịch với một thương hiệu mà họ yêu thích sau chỉ một trải nghiệm không tốt. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng Big Data để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và duy trì lòng trung thành của họ.
Quay trở lại với thương mại điện tử, Big Data đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một yếu tố không thể thiếu. Dữ liệu lớn & AI giúp các doanh nghiệp thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu khách hàng để cải thiện trải nghiệm mua sắm, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và tăng cường hiệu quả marketing trên cả nội sàn và ngoại sàn.
Ảnh Hưởng Của Big Data Đến Các Nhà Bán Hàng Trên Thương Mại Điện Tử
Big Data cho phép nhà bán hàng phân tích dữ liệu tìm kiếm và mua sắm của người tiêu dùng, giúp họ khám phá các sản phẩm ngách tiềm năng. Từ việc xác định nhu cầu của khách hàng mục tiêu, nhà bán hàng sẽ tìm ra phương hướng cải tiến sản phẩm hiện tại hoặc phát triển những sản phẩm mới, qua đó mở rộng danh mục mặt hàng, tránh cạnh tranh trực tiếp và thúc đẩy doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ.
Đồng thời, thông qua phân tích dữ liệu giá cả, doanh nghiệp có thể nhận diện xu hướng thị trường để thiết lập chiến lược giá hợp lý cho sản phẩm. Điều này không chỉ tối ưu hóa doanh thu mà còn đảm bảo sản phẩm luôn thu hút. Đặc biệt, Big Data cung cấp thông tin về giá cả và chiến lược khuyến mãi của đối thủ, giúp nhà bán hàng tạo ra các chiến lược giá và ưu đãi hấp dẫn hơn.
Mức giá phổ biến trên sàn Shopee 5 tháng đầu năm 2024 được thống kê bằng Big Data & AI bởi Metric
Ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh của Metric cho biết: "Phân tích dữ liệu mang lại cho doanh nghiệp bức tranh tổng thể, hỗ trợ đưa ra quyết định kinh doanh chính xác. Qua kinh nghiệm hỗ trợ nhiều thương hiệu trên sàn TMĐT, Metric nhận ra tầm quan trọng của việc phát hiện sớm vấn đề. Metric từng hỗ trợ một DN thời trang phát hiện nguyên nhân sụt giảm doanh số 30% chỉ trong một tuần, qua việc phân tích dữ liệu thị trường và nhận ra sự cạnh tranh từ một nhà phân phối mới với hình ảnh sản phẩm ấn tượng hơn. Phản ứng nhanh chóng, DN đã cải thiện hình ảnh và chương trình khuyến mãi, lấy lại thị phần nhanh chóng."
Dữ liệu lớn còn giúp doanh nghiệp tìm ra các từ khóa phù hợp để dễ dàng xuất hiện khi người tiêu dùng tìm kiếm - công việc quan trọng khi kinh doanh trên sàn TMĐT. Đối với từng địa phương, người tiêu dùng sẽ có thói quen sử dụng ngôn ngữ khác nhau để tìm kiếm sản phẩm. Ví dụ, với khu vực miền Bắc, khách hàng sẽ sử dụng từ "bát ăn cơm" thay vì "chén ăn cơm". Vì vậy, nếu kho hàng đặt ở vùng miền nào, nhà bán sẽ buộc phải tìm hiểu để sử dụng từ khóa phù hợp.
Hình ảnh sản phẩm cần bắt mắt và chất lượng cao để thu hút khách hàng. Big Data giúp phân tích và xác định các yếu tố hình ảnh thu hút sự chú ý của khách hàng, từ đó tối ưu hóa hình ảnh sản phẩm trên website. Việc sử dụng hình ảnh đẹp và chuyên nghiệp có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi và doanh số bán hàng, đặc biệt trong những ngành hàng như Thời trang, Làm đẹp,...
Top sản phẩm bán chạy ngành hàng Thời trang nữ trên sàn TMĐT Shopee (ảnh Metric)
Có thể thấy, sử dụng Big Data & AI để phân tích thị trường là giai đoạn bắt buộc doanh nghiệp cần làm để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trên các sàn TMĐT. Phân tích chính xác và kịp thời sẽ là chìa khóa giải quyết bài toán cạnh tranh khốc liệt trong môi trường kinh doanh hiện nay.