A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Báo động tình trạng livestream xâm phạm quyền riêng tư cá nhân

Nhằm thu hút người xem, nhiều chủ tài khoản mạng xã hội (MXH) bất chấp đạo đức, pháp luật, đăng tải thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác khi chưa được phép.

Hành vi này đã ở mức đáng báo động, cần phải bị lên án và xử lý nghiêm.

Khoảng từ ngày 12 đến 15-3 vừa qua, bất chấp nỗi đau mất người thân của gia đình thanh niên 18 tuổi tự tử, nhiều YouTuber, TikToker... (những người sản xuất nội dung trên nền tảng MXH) đã tìm đến gia đình nạn nhân tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An) để livestream (phát trực tiếp) cảnh tìm kiếm thi thể và đám tang; thông tin về hoàn cảnh gia đình, nỗi đau của người mẹ mất con và cả chuyện nạn nhân bị ngăn cản tình cảm; công an khám nghiệm tử thi... khi chưa được gia đình cho phép. Quá bức xúc trước hành vi của những người này, gia đình nạn nhân phải nhờ Công an xã Lương Hòa đến giải tán, mời một số người không liên quan rời khỏi khu vực. Thế nhưng, những người này vẫn lén lút livestream, ghi hình bằng nhiều cách, ngay cả khi gia đình tổ chức an táng cho nạn nhân.

Sự việc tương tự cũng xảy ra tại đám tang của em N.H.Đ (14 tuổi) là nạn nhân bị đánh chết não ở quận Long Biên, TP Hà Nội.

Hay vừa qua, trường hợp ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) quê ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), thường trú tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai (Gia Lai) trong quá trình tu tập thường xuyên bị các YouTuber, TikToker... bám theo nhất cử nhất động để quay và đăng tải các video clip lên MXH nhằm câu view (lượt xem). Khi ông này đã ngừng việc của mình, nhiều người tiếp tục tìm ông, gia đình ông để quay phim, chụp ảnh, đăng tải các video với mục đích câu view, câu like (lượt thích); thậm chí là thông tin sai lệch, xuyên tạc ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận.

Hình ảnh người mẹ thanh niên 18 tuổi ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An) bị các YouTuber, TikToker... vây quanh được đăng tải trên một kênh YouTube. Ảnh cắt từ video 

Qua theo dõi nhiều vụ việc trên MXH, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, hành vi của các YouTuber, TikToker, Facebooker... như các ví dụ nêu trên là những hành vi phản cảm và còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của cá nhân đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng bảo vệ quyền hình ảnh của mọi công dân, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mọi công dân; mọi hoạt động của con người trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội.

Theo đó, cá nhân có quyền tự do về hình ảnh, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được cá nhân đó cho phép và không được lợi dụng việc sử dụng hình ảnh để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có hình ảnh. Trường hợp sử dụng hình ảnh trái phép thì người bị sử dụng hình ảnh có quyền yêu cầu người sử dụng hình ảnh trái phép phải gỡ bỏ hình ảnh, cải chính xin lỗi, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng trái phép hình ảnh của người khác để đăng tải lên MXH có thể bị phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, nếu hình ảnh là bí mật đời tư cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức bị xử lý hình sự thì mức phạt có thể tới 30.000.000 đồng. Trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh hoặc lợi dụng việc sử dụng hình ảnh cá nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bằng cách đăng tải các clip trái với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự hiện hành với hình phạt có thể tới 7 năm tù.

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Nghề sáng tạo nội dung số trên MXH dễ thành công về nhiều mặt nên ngày càng có nhiều người tham gia. Bên cạnh những người biết tôn trọng các giá trị cộng đồng, tôn trọng pháp luật thì cũng không ít người câu view bất chấp, sẵn sàng làm các clip “bẩn”, trái với pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục miễn là có nhiều người xem, khiến dư luận xã hội bức xúc. Vì thế, ngoài xử lý đối với các trường hợp vi phạm thì cần tăng cường công tác quản lý, tiến tới ban hành quy định về quy tắc của những người hoạt động trong lĩnh vực này để ngăn chặn, hạn chế các nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Trả lời Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng cho biết: “Chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để chủ các kênh YouTube, TikTok, tài khoản Facebook... hiểu, nâng cao trách nhiệm xã hội, làm những video clip có ích cho xã hội. Đồng thời, mỗi cá nhân và cả cộng đồng phải kiên quyết tẩy chay những kênh, tài khoản có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật...”.

LINH AN


Tags: cá nhân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết