A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Áp dụng công nghệ thông tin vào phòng ngừa tội phạm lừa đảo

Trước việc tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ số và tính phổ cập về các dịch vụ công để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều quận, huyện, xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội đã tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân phòng ngừa tội phạm.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới tinh vi

Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao đó là giả danh Công an yêu cầu bị hại cài đặt phần mềm giả mạo dịch vụ công, sau đó lấy cắp mật khẩu, mã OTP, chiếm đoạt tài sản. Trong đó có những trường hợp do cho người thân hoặc bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công.

Một trong các nạn nhân là anh H (trú tại Hà Nội) do cho bạn mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo dịch vụ công nên bị chiếm đoạt tài sản. Tại trụ sở Công an, anh H cho biết, bạn của mình là anh K nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an phường yêu cầu đến cơ quan Công an để cập nhật tài khoản định danh cá nhân.

Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với phần mềm dịch vụ công giả mạo

Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với phần mềm dịch vụ công giả mạo

Do anh K bận công tác nên không thể trực tiếp đến cơ quan Công an làm việc. Đối tượng thông báo với anh K là Bộ Công an có chủ trương hỗ trợ qua mạng để thuận tiện cho công dân và hướng dẫn anh K sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android để tải phần mềm và cài đặt ứng dụng giả mạo dịch vụ công.

Anh K không sử dụng điện thoại hệ điều hành Android nên đã mượn điện thoại của anh H để cài đặt ứng dụng giả mạo theo yêu cầu của đối tượng. Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu anh K truy cập vào tài khoản ngân hàng để thanh toán phí dịch vụ. Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin về số tài khoản, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng của anh K khi đăng nhập trên điện thoại của anh H.

Sau khi phần mềm cập nhật xong và chiếm được quyền điểu khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP giao dịch và thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của tất cả các tài khoản ngân hàng lưu trong máy điện thoại của anh H và tài khoản ngân hàng anh K vừa đăng nhập.

Một nạn nhân khác là chị N (SN 1986, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội) cũng bị lừa đảo, chiếm đoạt 500 triệu đồng trong tài khoản. Cụ thể, ngày 25/1/2024, chị N nhận được cuộc gọi của một số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Công an phường Phương Mai (Đống Đa) thông báo chị N chưa làm định danh mức 2 cần cập nhật thông tin trong hệ thống.

Sau đó, thêm một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Đống Đa hướng dẫn chị cập nhật thông tin mà không cần tới trụ sở và gửi link truy cập tải phần mềm Dichvucong.apk, quét vân tay và nhận diện khuôn mặt. Thực hiện xong thao tác, chị N tá hỏa phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 500 triệu đồng. Lúc này, chị N mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) cho thấy, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4/2024, hệ thống cảnh báo.khonggianmang.vn của đơn vị này đã tiếp nhận gần 630 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.

Kẻ lừa đảo thường dùng thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng hướng dẫn, yêu cầu người dùng truy cập các website, tải và cài đặt các ứng dụng giả mạo Dịch vụ Công của Chính phủ (Bộ Công an, VNeID, Tổng cục đất đai, Tổng cục thuế...) lên thiết bị điện tử thông minh.

Cơ quan công an cũng đã chỉ rõ 4 bước chính của các đối tượng lừa đảo gồm: mạo danh cán bộ, viên chức cơ quan Nhà nước yêu cầu người dùng hợp tác phục vụ công việc; hướng dẫn người dùng truy cập các website, tải và cài đặt ứng dụng giả mạo; ứng dụng giả mạo kết nối và nhận lệnh từ máy chủ của nhóm tấn công; nhóm tấn công có thể theo dõi, chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp từ xa dữ liệu trên thiết bị người dùng và từ đó dễ dàng chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Để tránh sập bẫy các chiêu lừa đảo này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn, đặc biệt là liên quan tới cán bộ của các cơ quan Nhà nước, vì cơ quan chức năng không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cũng như không làm việc qua điện thoại; đồng thời liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người liên hệ/gọi điện và cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm.

Dùng nhiều kênh để cảnh báo người dân

Cùng với Công an TP và các cơ quan chức năng, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã tích cực áp dụng công nghệ và nhiều kênh thông tin để tuyên truyền công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, trong đó có cảnh báo tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội.

Theo ghi nhận tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội, lực lượng công an đã tham mưu cho UBND xã, phường về công tác tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự…, cảnh báo đến người dân về những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Các thông tin cảnh báo lừa đảo được tuyên truyền đến người dân phường Văn Miếu qua các nhóm Zalo tổ COVID cộng đồng

Các thông tin cảnh báo lừa đảo được tuyên truyền đến người dân phường Văn Miếu qua các nhóm Zalo tổ COVID cộng đồng

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Khi có những thông tin cảnh báo tội phạm lừa đảo công nghệ cao từ Công an thành phố, Công an phường đã tham mưu cho UBND phường Văn Miếu thông báo đến người dân bằng loa truyền thanh, bảng tin... Đồng thời, UBND phường thông tin trên tất cả các nhóm từ Bí thư chi bộ đến tổ dân phố sử dụng mạng xã hội zalo để người dân có thể nắm được, cùng nhau tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên trong gia đình phòng ngừa, không để các đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Cũng theo Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, từ khi triển khai cảnh báo đến các nhóm zalo khu dân cư, cán bộ UBND phường nhận được rất nhiều cuộc gọi của người dân, thông tin về việc cán bộ hoặc công an phường yêu cầu người dân xác minh các thông tin cá nhân...

“Ngay khi nhận được các cuộc gọi như vậy, UBND phường lập tức chỉ đạo cán bộ xác minh nhằm kịp thời thông tin lại cho người dân. Qua đó ngăn ngừa được rất nhiều vụ việc lừa đảo nhắm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng”, bà Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định.

Cũng như phường Văn Miếu, báo cáo của lãnh đạo UBND phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho thấy: Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, UBND phường Phương Canh đã và đang triển khai hệ thống Camera giám sát an ninh tích hợp về phòng điều hành của Ban chỉ huy Công an phường. 46 điểm camera giám sát được lắp đặt đã hỗ trợ truy xét thành công 7 vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật, 40 vụ việc liên quan đến trật tự đô thị, số vụ phạm pháp hình sự giảm 2 vụ/tháng so với trước thời điểm lắp camera, được đa số Nhân dân hưởng ứng.

UBND phường đã nhanh chóng xúc tiến việc xây dựng "Cổng thông tin điện tử phường Phương Canh” trên nền tảng Zalo OA (Offical Account); đồng thời, tuyên truyền đến người dân về kênh Zalo OA chính thức của phường, đạt gần 13.000 lượt tài khoản quan tâm; gần 500 tin, bài về các hoạt động của UBND phường và các đoàn thể được đăng tải trên kênh với 91.084 lượt xem.

Đã có 526 lượt người dân tương tác, trao đổi, phản ánh, kiến nghị về các vấn đề người dân quan tâm; các ý kiến phản ánh đều được lãnh đạo UBND phường chỉ đạo xử lý kịp thời, đảm bảo hiệu quả. UBND phường đã ban hành Quy trình quản lý, vận hành kênh Zalo OA đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết