A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tiền Giang xây dựng cơ chế đặc thù phát triển công nghệ thông tin

Ngày 6/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình yêu cầu, các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay. Trong đó, người đứng đầu các cấp, các ngành phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành, lĩnh vực, địa phương được giao phụ trách.

Trước mắt, các đơn vị phải nâng cấp, phát triển và sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Cụ thể là sử dụng, khai thác có hiệu quả các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tại địa phương nhằm kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và người dân, doanh nghiệp được thuận lợi.

Tỉnh quan tâm huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi số của chính quyền; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn.

Mặt khác, Tiền Giang chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của tỉnh; có các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số trong tỉnh. Tỉnh khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến với các hệ thống thông tin tiện ích do tỉnh triển khai.

Tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin gắn với tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình đánh giá, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Tiền Giang đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công nghệ thông tin thời kỳ hội nhập quốc tế.

Các hệ thống phần mềm dùng chung được triển khai tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm giấy tờ, tăng cường sự giám sát của công dân đối với tổ chức, sự giám sát của cấp trên đối với cấp dưới… Từ đó, nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết công việc và tiến tới chính quyền điện tử, chính quyền số.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW đã giúp tỉnh mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, thiết thực, hiệu quả cao trong đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực như: ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, các sở, ngành, địa phương, trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông,…

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, đưa các ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ số phục vụ cuộc sống, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, điển hình như: hình thành các chợ, điểm bán hàng dân sinh không dùng tiền mặt bằng những hình thức phù hợp với điều kiện từng vùng, từng khu vực và nhu cầu của người dân.

Toàn tỉnh hiện có 211 doanh nghiệp kinh doanh sản xuất về công nghệ số đang hoạt động; 254.361 hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản, được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử: Postmart và Vỏ sò với trên 2.400 sản phẩm. Sàn thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang (sangiaodich.tiengiang.gov.vn) cũng cung ứng hàng trăm sản phẩm theo nhu cầu khách hàng.

Bên cạnh đó, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số. Giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 15,2% tổng GRDP của tỉnh (tương đương 17.238/112.818 tỉ đồng).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình đánh giá, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin mang lại hiệu quả tốt, cụ thể hóa được 4 quan điểm và 3 đột phá chiến lược được Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức và hành động về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong toàn Đảng bộ, hiệu quả cải cách hành chính, chỉ đạo điều hành tăng lên và phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn./.

Minh Trí


Tác giả: Nguyễn Minh Trí
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết