Bình Thuận: Ứng dụng UAV trong quản lý vận hành lưới điện
Truyền tải điện Bình Thuận ứng dụng UAV kết hợp với công nghệ Lidar góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý vận hành hệ thống lưới truyền tải điện Quốc gia.
Truyền tải điện Bình Thuận (trực thuộc Công ty Truyền tải điện 3) đang quản lý, vận hành hơn 619 km đường dây 500kV và 220kV, bên cạnh việc bảo dưỡng thiết bị được thực hiện đầy đủ, đơn vị thường xuyên bố trí sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để kiểm tra, đo nhiệt độ tại các mối nối, các điểm tiếp xúc trên các đường dây, các thiết bị trong trạm biến áp đang vận hành nhằm tối ưu hóa giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản lý vận hành và tăng độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống lưới truyền tải điện Quốc gia.
Ông Phan Đình Minh, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận cho biết, hiện đơn vị đang triển khai ứng dụng UAV kết hợp với công nghệ Lidar để thực hiện xây dựng mô hình tuyến đường dây 3D. Từ đó, chủ động linh hoạt hơn trong việc tạo lập đường bay tự động kiểm tra định kỳ lưới điện của UAV toàn tuyến đường dây 220kV và 500kV trên địa bàn lưới điện do đơn vị quản lý, góp phần tiết kiệm chi phí và nhân lực, mang lại hiệu quả rõ rệt và đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải.
Sử dụng công nghệ Lidar để xây dựng mô hình tuyến đường dây 3D. Ảnh: M.H |
Trước đây, mỗi khi tạo lập lại đường bay tự động cho UAV thực hiện hành trình kiểm tra định kỳ các tuyến đường dây, nhân viên quản lý vận hành phải trực tiếp đến hiện trường để thực hiện thao tác bay thủ công định vị đường bay. Với công nghệ Lidar, việc thiết lập lại đường bay được thực hiện dễ dàng hơn, công nhân quản lý vận hành chỉ cần đến hiện trường thao tác bay lần đầu tiên, thông qua công nghệ từ đó tạo ra các mô hình 3D chi tiết, hỗ trợ giám sát và quản lý hệ thống lưới điện hiệu quả hơn. Khi có thay đổi tạo lại đường bay mới, công nhân quản lý vận hành thao tác trực tiếp trên mô hình 3D đã xây dựng mà không cần phải ra hiện trường thực tế.
Theo ông Minh, với đặc thù lưới điện truyền tải trên địa bàn tình Bình Thuận đa số đi qua khu vực ít dân cư và trong địa hình đồi núi và hiểm trở, công nghệ này đã hỗ trợ và đem lại lợi ích đáng kể khác như: Giúp công nhân quản lý vận hành có thể xác định được địa hình tại vị trí trụ điện, tuyến đường dây phải cắt điện thi công bảo dưỡng, các vị trí có địa hình phức tạp, khó tiếp cận; xác định tình trạng hành lang tuyến, cây cao ngoài hành lang… thông qua mô hình 3D đã xây dựng, từ đó có thể chủ động lập phương án, chuẩn bị các biện pháp xử lý một cách chính xác và kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành.
“Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ Lidar kết hợp với một số ứng dụng khác trong quản lý vận hành lưới điện như: Tự động đo được độ võng dây dẫn, dây chống sét; tự động đo và xuất ra báo cáo các điểm cảnh báo vi phạm hành lang kèm tọa độ; xây dựng hệ thống tính toán, đo các thông số đường dây, hành lang lưới điện, mô phỏng cây cao phát triển nhanh…”, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận thông tin.
Trước thách thức ngày càng lớn trong việc phải đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải, khi phụ tải ngày càng tăng cao và sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận, sự kết hợp công nghệ Lidar với ứng dụng UAV là một cải tiến quan trọng và rất cần thiết, hỗ trợ tối đa đơn vị nâng cao hiệu quả trong quản lý vận hành, tối ưu hóa chi phí, năng suất lao động được tăng cao.
Đặc biệt, trong thời điểm một phần lực lượng công nhân quản lý vận hành đường dây của đơn vị được điều động tăng cường hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, công nghệ này đã phát huy được hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho lực lượng công nhân còn lại tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục, ổn định.