Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù: Mở khóa tiềm năng đầu tư cho trường chất lượng cao
Việc phát triển giáo dục chất lượng cao tại Hà Nội đang đối mặt với những rào cản về cơ chế tài chính, đặc biệt trong đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Để tháo gỡ nút thắt này, đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP nghiên cứu, đề xuất ban hành nghị quyết đặc thù dựa trên tinh thần của Luật Thủ đô năm 2024.
Tạo điều kiện cho các trường chất lượng cao chủ động hơn trong quản lý và phát triển. Ảnh minh họa: vneconomy.vn
Hiện tại, công tác đầu tư và mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục tại các trường chất lượng cao đang bị ràng buộc bởi một số quy định áp dụng chung cho các trường công lập sử dụng ngân sách Nhà nước. Điều này gây ra nhiều bất cập, đặc biệt khi các trường chất lượng cao có yêu cầu chuyên môn và công nghệ cao hơn so với trường đại trà.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, việc mua sắm máy tính không được vượt quá định mức 15 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Trong khi đó, các môn học ứng dụng công nghệ như thiết kế đồ họa, lập trình, trí tuệ nhân tạo (AI), STEM… đòi hỏi máy tính có cấu hình cao với mức giá vượt xa quy định này, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy và khả năng triển khai chương trình học hiện đại.
Thêm vào đó, dù có nguồn kinh phí hợp pháp từ các nguồn thu hợp đồng hoặc xã hội hóa, các trường chất lượng cao chưa được trao quyền tự chủ trong đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất. Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục của TP Hà Nội ngày 24/6/2025, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa dù có năng lực tài chính để cải tạo và mở rộng cơ sở vật chất hiện đại, nhưng lại chưa được chủ động triển khai do không có quyền quyết định đầu tư.
Tình trạng này khiến một số trường công lập chất lượng cao sau thời gian hoạt động có cơ sở vật chất xuống cấp, không còn ưu thế nổi trội, thậm chí không đồng bộ, hiện đại bằng một số trường công lập đại trà được đầu tư mới. Ví dụ như Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) hiện phải dạy học tại cơ sở tạm thời do cải tạo, thiếu phòng thực hành và thiết bị. Trường Mầm non B chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu phòng học và khu vui chơi.
Nhận diện được những rào cản pháp lý này, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã tổ chức đoàn giám sát chuyên sâu về việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao. Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ rõ sự cần thiết phải hoàn thiện khung pháp luật để tháo gỡ vướng mắc.
Luật Thủ đô năm 2024, đặc biệt là tại điểm a, khoản 4, Điều 22, đã quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc để TP cụ thể hóa các chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho các trường chất lượng cao chủ động hơn trong quản lý và phát triển. HĐND TP đã ban hành 7 Nghị quyết về cơ chế tài chính và học phí cho các trường này từ năm 2013 đến nay, cho thấy nền tảng pháp lý đã sẵn có để tiếp tục phát triển.
Theo các chuyên gia, các chính sách của Luật Thủ đô có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP, là cơ sở để các trường đa dạng hóa các loại hình giáo dục. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng Luật Thủ đô năm 2024 với nhiều quy định đặc thù cho phép Hà Nội làm được rất nhiều việc. Ngành Giáo dục cần phải đi trước cả nước, giữ vững vị trí “đầu tàu".
Để hiện thực hóa các quy định của Luật Thủ đô 2024, đoàn giám sát đã kiến nghị UBND TP những giải pháp cụ thể mang tính đột phá. Cụ thể, chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất Nghị quyết của HĐND TP để thể chế hóa quy định về cơ chế tài chính đặc thù. Nghị quyết cần quan tâm đến cơ chế đầu tư ban đầu, đầu tư cải tạo, nâng cấp, và đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập chất lượng cao. Đồng thời, xem xét, quy định danh mục trang thiết bị riêng cho các trường công lập chất lượng cao, nhằm phù hợp với yêu cầu giảng dạy các môn học công nghệ cao và phương pháp hiện đại.
Việc ban hành cơ chế tài chính đặc thù này không chỉ giúp các trường công lập chất lượng cao khắc phục tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, mà còn cho phép họ chủ động đầu tư, nâng cấp trang thiết bị theo kịp sự phát triển của công nghệ và chương trình giáo dục tiên tiến.