A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước: Bịt kín “kẽ hở” pháp lý, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí

Tham nhũng và lãng phí vẫn là những thách thức lớn, đặc biệt tại các lĩnh vực nhạy cảm. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước, trong đó công tác pháp chế được coi là trọng tâm để tạo hành lang pháp lý vững chắc, ngăn chặn triệt để các hành vi tiêu cực.

 

Hà Nội đẩy mạnh rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước. Ảnh: PV

Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (PCTN, THTKCLP) 6 tháng đầu năm 2025 của UBND Thành phố Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn còn những hạn chế, tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng.

Các lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm và cần ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách bao gồm: Quản lý ngân sách, vốn, tài sản Nhà nước, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng, y tế, và giáo dục. Sự bất cập của thể chế về quản lý kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng phạm tội, đồng thời công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trên một số lĩnh vực phức tạp này chưa thường xuyên, dẫn đến chế tài xử lý chưa thực sự mang tính răn đe.

Một ví dụ điển hình là công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn. Mặc dù được đánh giá là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong quy định của pháp luật. Cụ thể, theo UBND Thành phố, chưa có quy định rõ ràng về nguyên tắc khi xác minh TSTN, cách thức đánh giá tính trung thực của bản kê khai và việc xử lý hành vi vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan kiểm soát TSTN. Việc thiếu sự đồng bộ và hướng dẫn chung về cách thức thực hiện xác minh TSTN cũng là một hạn chế cần được khắc phục thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật.

Nhận diện rõ những tồn tại và thách thức, Thành phố Hà Nội đã và đang tập trung nguồn lực và quyết liệt triển khai công tác pháp chế, coi đây là yếu tố then chốt để xây dựng một hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, khả thi nhằm phòng ngừa và xử lý hiệu quả các hành vi tham nhũng, lãng phí.

UBND Thành phố đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo phù hợp trong công tác PCTN, THTKCLP. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Thành phố đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm 1 nghị quyết của HĐND Thành phố và 30 quyết định của UBND Thành phố.

Các sở, ban, ngành và các địa phương đã tích cực rà soát các chế độ, định mức, tiêu chuẩn thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình. Kết quả, các đơn vị đã ban hành mới 266 văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và thực hiện 81 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định này.

Trong khuôn khổ triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), Thành phố đã rà soát 475 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, trong đó 114 văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoặc ban hành mới để phù hợp với Luật Thủ đô. Dự kiến, năm 2025, Thành phố sẽ ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật Thủ đô, bao gồm 64 nghị quyết quy phạm pháp luật và 16 quyết định quy phạm pháp luật.

Để tiếp tục bịt kín các "kẽ hở" pháp lý và nâng cao hiệu quả PCTN, THTKCLP, Thành phố Hà Nội đã xác định rõ các phương hướng và giải pháp trọng tâm. Cụ thể, Thành phố kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng. Đặc biệt, cần rà soát để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, trong đó có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và chặt chẽ.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, y tế, giáo dục. Đồng thời, kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương và nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thành phố sẽ tập trung rà soát các dự án đầu tư công, các dự án theo hình thức BT còn dở dang để tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành dự án. Song song đó, xử lý hiệu quả các dự án sử dụng đất chậm triển khai hiện nay và quản lý chặt chẽ nguồn lực đất đai, khoáng sản.

Với những nỗ lực đồng bộ trong công tác pháp chế và quản lý Nhà nước, Hà Nội đang từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết