A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Viettel đạt chứng chỉ ISO cao nhất về công nghệ nhận diện khuôn mặt

Vừa qua, hệ thống nhận diện khuôn mặt-Viettel eKYC của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 về nhận diện khuôn mặt (FaceID) cấp độ 2 của tổ chức cấp chứng chỉ ISO hàng đầu thế giới Tayllorcox.

Như vậy, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đến nay tại Việt Nam nhận được chứng chỉ cấp độ 2, cũng là cấp độ cao nhất.

Hệ thống sinh trắc học Viettel eKYC phát hiện tuyệt đối các hành vi gian lận bằng giả mạo khuôn mặt 2D, 3D. Hệ thống này do Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) phát triển. Theo đánh giá, Viettel eKYC được đánh giá đạt độ chính xác tuyệt đối trước các hình thức giả mạo 2D và 3D, hoàn toàn không nhầm lẫn giữa khuôn mặt người dùng và các hình thức giả mạo, bảo đảm an toàn chống giả mạo sinh trắc khuôn mặt.

Ở cấp độ 1, các hệ thống sinh trắc học có thể phát hiện những trường hợp giả mạo dạng cơ bản 2D như: Chụp khuôn mặt gián tiếp qua màn hình, khuôn mặt in trên giấy, khuôn mặt in trên thẻ... Trong khi đó, các hệ thống sinh trắc học đạt cấp độ 2 như Viettel eKYC có khả năng phát hiện các trường hợp gian lận tinh vi hơn ở dạng 3D như mặt nạ silicon, khuôn mặt tái tạo bằng máy scan chuyên dụng, video deepfake (giả mạo) v.v.. và sẵn sàng đối phó với những trường hợp gian lận sinh trắc học có độ phức tạp cao.

Hệ thống nhận diện khuôn mặt - Viettel eKYC. Ảnh: TRẦN THỌ 

Viettel eKYC đã vượt qua khoảng 3.000 lần kiểm thử bằng cách làm giả bởi một trong các hình thức tái tạo khuôn mặt 2D hoặc 3D có quyền truy cập hệ thống. Theo kết quả đo kiểm của Tayllorcox, tỷ lệ sai số của Viettel eKYC là 0%, tốt hơn so với sai số 1% mà tiêu chuẩn cho phép, đồng thời cũng không gặp phải trường hợp từ chối người dùng thật.

“Viettel cam kết nghiên cứu và phát triển những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực AI để giúp các doanh nghiệp và người dân tiếp cận những giải pháp hữu ích, trong đó có xác thực và định danh khách hàng điện tử-dịch vụ quan trọng được sử dụng trong nhiều dịch vụ số”, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) cho biết.

Viettel là đối tác chính thức của Bộ Công an trong cung cấp dịch vụ xác thực căn cước công dân gắn chip. Viettel eKYC kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân trong quá trình xác thực và định danh điện tử, tự động kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn tất cả trường hợp giả mạo hoặc gian lận sinh trắc học chỉ trong vài giây với độ chính xác cao.

Viettel eKYC đang được ứng dụng trong nhiều nghiệp vụ như: Cấp phát chữ ký số; ký kết hợp đồng điện tử; chấm công bằng khuôn mặt; kiểm soát an ninh bằng khuôn mặt; mở tài khoản, phát hành thẻ, thẩm định khoản vay cho nhiều ngân hàng; kiểm soát gian lận, lừa đảo trong tín dụng; định danh khách hàng, xác thực khách hàng trong bảo hiểm và viễn thông... Từ năm 2020 đến nay, dịch vụ xác thực và định danh điện tử Viettel eKYC đã được tích hợp trên hệ thống của nhiều doanh nghiệp giúp cắt giảm hơn 80% giấy tờ và tiết kiệm đến hơn 70% thời gian để hoàn thành các thủ tục.

Viettel eKYC cũng là nền tảng xác thực sinh trắc học đằng sau ứng dụng Viettel Money, giúp hơn 25 triệu khách hàng giao dịch tài chính an toàn.

THÙY LINH 


Tags: Viettel
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết