A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

“Cha đẻ” của Vietkey làm Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông tại Trường Đại học CMC

Là một nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, TS Đặng Minh Tuấn (Tuấn Vietkey) chia sẻ kinh nghiệm của mình với thế hệ trẻ dưới cương vị Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông tại Trường Đại học CMC.

TS Đặng Minh Tuấn là một tên tuổi quen thuộc trong giới công nghệ thông tin với hơn 30 năm kinh nghiệm. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và sản phẩm công nghệ nổi bật như bộ gõ Vietkey, nhóm Vietkey Linux (sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2002), hệ thống nhận diện khuôn mặt CIVAMS, và giải pháp chuyển đổi âm thanh thành văn bản (Speech to Text). Hiện tại, ngoài vai trò là Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI), ông còn đảm nhận vai trò Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông tại Trường Đại học CMC.

TS Đặng Minh Tuấn. 

 

Khoa Vi Điện tử và Viễn thông với thiết kế vi mạch bán dẫn là định hướng đào tạo chính của Trường Đại học CMC. 

Nói về cơ hội của việc đào tạo điện tử viễn thông, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, TS Đặng Minh Tuấn nhận định, lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn là một ngành được Nhà nước rất quan tâm, với mục tiêu phát triển 50.000 nhân lực đến năm 2030. Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, thể hiện qua những hợp tác chiến lược với các cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, ngành này cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thiếu hụt chuyên gia và chi phí đầu tư lớn cho trang thiết bị và bản quyền phần mềm.

Theo TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học CMC có nhiều lợi thế trong việc đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Tập đoàn CMC với hệ thống 11 công ty thành viên và các đối tác toàn cầu đang rất “khát” nhân lực bán dẫn. Samsung, một trong hai nhà cung cấp và sản xuất chip hàng đầu thế giới, là nhà đầu tư lớn nhất tại CMC. Đây chính là những vị trí rộng mở cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

CMC đã đầu tư hai phòng lab thiết kế vi mạch với bản quyền phần mềm từ Tập đoàn chip Synopsys, được đặt tại Trường Đại học CMC và Viện CMC ATI. Sinh viên sẽ có cơ hội thực hành với các công cụ thiết kế vi mạch chuẩn quốc tế từ sớm.

Với việc trở thành Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông tại trường, đồng thời là Viện trưởng Viện ATI, TS Đặng Minh Tuấn tin rằng mô hình viện - trường - doanh nghiệp sẽ càng bền chặt hơn. Việc kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường học tập và nghiên cứu toàn diện cho sinh viên, giúp họ tiếp cận và thực hành với công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và viễn thông tại Việt Nam.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ


Tags: Vietkey
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết