Tạo niềm tin cho người dân bằng sự chuyên nghiệp
Sự chuyên nghiệp, tận tâm, thân thiện của nhân viên Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tạo sự thoải mái cho người dân, doanh nghiệp và nhiều đơn vị trên địa bàn đến làm việc.
Từ sớm, chị Nguyễn Mai Thanh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) đã đến bộ phận một cửa của BHXH huyện Thanh Trì để làm thủ tục rút BHXH một lần. Chị tâm sự: “Tôi nghỉ việc một năm nay để trông con nhỏ nên thu nhập rất khó khăn. Trước khi sinh con, tôi làm việc tại một doanh nghiệp và tham gia BHXH bắt buộc được hơn 5 năm. Bây giờ, khi con được gần một tuổi, tôi vẫn chưa xin được việc làm. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào phần lương ít ỏi của chồng tôi. Khó khăn quá nên tôi đến làm thủ tục xin rút BHXH một lần”.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục nhận tiền lương tại Bảo hiểm xã hội huyện Thanh Trì. |
Chị Nguyễn Thùy Linh (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) cũng đến BHXH huyện Thanh Trì làm thủ tục rút BHXH một lần. Chị chia sẻ, năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bị mất việc làm nên ở nhà bán hàng online. Do chưa có kinh nghiệm nên thu nhập không ổn định, trong khi chi phí sinh hoạt hằng tháng tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ... khiến chị lúc nào cũng thấy khó khăn, túng thiếu. Chị muốn rút BHXH một lần để lấy chút vốn tiếp tục kinh doanh. Hiểu được những trăn trở của hai chị, cán bộ bộ phận một cửa (BHXH huyện Thanh Trì) đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh hiện tại của hai chị để tư vấn, phân tích những thiệt, hơn khi rút BHXH một lần.
Chị Mai Thanh cho biết: “Sau khi được tư vấn, tôi quyết định không rút BHXH một lần và ở lại lưới an sinh của Nhà nước. Rút BHXH một lần khiến người dân phải đối mặt với nhiều thiệt thòi, trong đó bao gồm việc mất đi cơ hội hưởng lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi về già. Bên cạnh đó, số tiền được hưởng khi rút BHXH một lần sẽ thấp hơn so với số tiền đã đóng. Thân nhân người lao động không nhận được trợ cấp mai táng cũng như trợ cấp tuất khi không may người lao động qua đời. Người lao động cũng sẽ không được cộng nối thời gian tham gia BHXH đối với quãng thời gian đã hưởng BHXH một lần để hưởng lương hưu trong trường hợp người lao động tái tham gia BHXH trở lại”. Với chị Thùy Linh, sau khi được nghe tư vấn, tính toán cân nhắc thu-chi, chị quyết định chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, giảm những chi phí sinh hoạt không cần thiết để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy, khi đến tuổi nghỉ hưu, chị sẽ có lương hưu, có thẻ BHYT.
Có thể thấy, từ những chia sẻ của cán bộ BHXH khi giải quyết thủ tục hành chính đã giúp nhiều người dân vơi bớt nỗi lo, hiểu thêm về ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT. Thêm một người dân tham gia BHXH là có thêm một cuộc đời được bảo đảm bởi lưới an sinh. Nhiều người dân đến làm việc tại BHXH huyện Thanh Trì đã nhận xét, chính phong cách chuyên nghiệp, tận tình giải thích thỏa đáng mọi băn khoăn, vướng mắc của người dân, người lao động... đã tạo ấn tượng tốt với mỗi người dân đến làm việc.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc BHXH huyện Thanh Trì cho biết: "Điểm nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính ở huyện Thanh Trì là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. Nhờ vậy, các tổ chức, cá nhân, người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn có thể ở bất cứ nơi đâu và thực hiện các thao tác trên máy tính, điện thoại kết nối internet một cách nhanh chóng, tiện lợi. Từ đó, giảm tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động và người dân tham gia BHXH, BHYT; giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin".
Bài và ảnh: NGÔ HÙNG