Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển hướng phát triển kinh tế-xã hội dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số.
Định hướng thời gian tới của Ninh Bình là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và động lực để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, với tầm nhìn đến năm 2030 là tỉnh khá, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng...
Xếp thứ 16 về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương
Từ năm 2017, Bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hằng năm được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam. Ở cấp độ địa phương, tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30-1-2022, Chính phủ phân công Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực ĐMST và kết quả ĐMST của từng địa phương, đồng bộ với Bộ chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam.
Năm 2023, lần đầu tiên Bộ KH-CN công bố Bộ chỉ số PII. Theo đó, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 62,86 điểm, xếp hạng 1; kế đến là TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tỉnh Ninh Bình với điểm số 43,39 đứng ở vị trí 16 các tỉnh, thành phố về chỉ số ĐMST cấp địa phương; trong đó, nhiều chỉ số có điểm số khá cao như: Thể chế đạt 46,16 điểm; vốn con người và nghiên cứu-phát triển đạt 42,41 điểm; cơ sở hạ tầng đạt 64,05 điểm; trình độ phát triển của doanh nghiệp đạt 40,54 điểm.
Người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. |
Theo Bộ KH-CN, các tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Bộ chỉ số PII năm 2023 đều có điểm vượt trội về sáng chế, số lượng doanh nghiệp cùng các tác động kinh tế-xã hội. Bộ chỉ số PII được xây dựng gồm 52 yếu tố thành phần, chia làm 7 trụ cột quan trọng, đó là: Thể chế; vốn con người và nghiên cứu-phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường và doanh nghiệp; sản phẩm tri thức; sáng tạo và công nghệ, tác động. Bộ chỉ số PII được xây dựng nhằm cung cấp hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KH-CN và ĐMST của từng địa phương, qua đó giúp các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học để xác định, lựa chọn những định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương dựa trên KH-CN và ĐMST.
Đổi mới sáng tạo phải quản trị bằng công nghệ số
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST của tỉnh Ninh Bình trong năm qua trọng tâm hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp, quản trị số. Công tác xã hội hóa trong nghiên cứu KH-CN từng bước được đẩy mạnh, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH-CN, hình thành doanh nghiệp KH-CN, khuyến khích hợp tác trong phát triển và ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống. Năm 2023, Ninh Bình cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số; cơ bản hoàn thành triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp huyện, thí điểm chuyển đổi số cấp sở, ngành...
Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Ninh Bình Nguyễn Toàn Thắng cho biết, năm 2024, đơn vị tập trung tham mưu với UBND tỉnh đặt hàng Bộ KH-CN các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025, đưa vào thực hiện năm 2025; thực hiện tốt các nhiệm vụ KH-CN; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu KH-CN tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh; khai thác tối đa các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển.
Mới đây, phát biểu tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình với Bộ Thông tin và Truyền thông về ĐMST, thu hút đầu tư để tỉnh trở thành trung tâm ĐMST, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Ninh Bình phải mạnh dạn đi trước, làm trước để tạo đột phá.
Theo đó, cần tăng ngân sách cho các sản phẩm mới, công nghệ mới, tạo ra thị trường hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp số, doanh nghiệp ĐMST về đầu tư, tìm kiếm cơ hội phát triển; quan tâm đầu tư một số yếu tố nền tảng, hạ tầng, nguồn nhân lực... Đặc biệt, yếu tố quan trọng có tính quyết định để Ninh Bình trở thành trung tâm ĐMST là phải có lãnh đạo số để dẫn dắt toàn bộ quá trình phát triển.
Bài và ảnh: KHÁNH AN