A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thanh tra Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn dự thảo thông tư

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy vừa ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Thông tư quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và Thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Article thumbnail
Quang cảnh cuộc họp do Phó Tổng TTCP Dương Quốc Huy chủ trì lấy ý kiến về 2 dự thảo. Ảnh: TG

Theo quyết định, Hội đồng tư vấn gồm 6 người do ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng gồm các ông: Lê Quang Tiệp, Phó Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ; Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ; Lê Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục IV, Thanh tra Chính phủ; Văn Tiến Mai, Phó Cục trưởng Cục V, Thanh tra Chính phủ và bà Hồ Thị Thu An, Thanh tra viên Chính, Vụ III, Thanh tra Chính phủ, ủy viên Thư ký.

Hội đồng tư vấn thẩm định hoạt động và thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thành viên Hội đồng tư vấn có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng và chịu sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Dự thảo Thông tư quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và Thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đã được Thanh tra Chính phủ gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và tổ chức nhiều cuộc họp góp ý trực tiếp.

Gần đây, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đã chủ trì nhiều cuộc họp góp ý đối với hai dự thảo trên.

Đối với Thông tư lập, quản lý hồ sơ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc ban hành Quyết định về quy chế lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý giúp các cơ quan thanh tra cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện công tác, lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo một cách chặt chẽ, khoa học.

Tuy nhiên, đến nay, quyết định này được ban hành trên cơ sơ các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực. Bên cạnh đó, hiện nay Luật Lưu trữ năm 2011, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật này có nhiều nội dung mới liên quan đến hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo. Do đó, nhiều nội dung trong quyết định không còn phù hợp với quy định hiện hành. Do đó, việc ban hành Thông tư lập, quản lý hồ sơ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được xem là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Đối với Thông tư thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cục, vụ, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, Thông tư sửa đổi căn cứ ban hành cho phù hợp với các văn bản hiện hành, đồng thời, sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh liên quan đến nội dung dẫn chiếu các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành; rà soát chỉnh sửa nội dung thanh tra trách nhiệm cho phù hợp với Luật Thanh tra và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Tại cuộc họp, với kinh nghiệm thực tiễn trong công tác ở địa phương, đơn vị, các ý kiến của các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích làm sáng tỏ hơn một số nội dung của dự thảo các thông tư và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về việc hồ sơ thanh tra chỉ nên lưu hồ sơ cuối cùng, không đưa dự thảo vào tài liệu lưu, chỉ lưu bản dự thảo xin ý kiến Thủ tướng, các bộ, ngành... Về quy định bảo mật, có ý kiến cho rằng cần pháp lý hóa những tập tin hồ sơ điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số tất yếu trong các lĩnh vực quản lý kinh tế và xã hội hiện nay...

Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp này cũng như những góp ý bằng văn bản gửi về cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đã yêu cầu Ban soạn thảo và Tổ biên tập tiếp thu, chỉnh sửa, rà soát toàn bộ quy định tại 2 thông tư nhằm tránh sự chồng chéo với các quy định khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết