Mục đích hoạt động thanh tra là gì?
Bạn đọc hỏi Luật Thanh tra năm 2025 quy định như thế nào về mục đích hoạt động thanh tra?
Ảnh: Đỗ Quyên
Trả lời: Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Điều 3 của Luật Thanh tra 2025 quy định rõ, mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần kiểm soát quyền lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo bà Nguyễn Hải Yến, Thanh tra viên chính Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, về cơ bản, mục đích thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra 2025 và Luật Thanh tra 2022 giống nhau, nhưng có một điểm mới là nhấn mạnh mục đích góp phần kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Quy định này là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về kiểm soát quyền lực Nhà nước đã được nêu ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.