Hà Nội: Chợ “cóc” tồn tại thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã
Sáng 9-7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu quan tâm đến vấn đề quản lý rau an toàn và trách nhiệm khi để chợ “cóc” tồn tại.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành
Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ đại biểu số 9) cho biết, trong phóng sự trình chiếu tại phiên chất vấn cũng như thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng người dân phun thuốc trừ sâu cho rau tối hôm trước nhưng sáng hôm sau lại mang bán ra thị trường, cụ thể là ở phường Phúc Lộc.
“Hiện nay, việc kiểm soát an toàn thực phẩm với các loại rau, hoa quả ra sao, đạt khoảng bao nhiêu phần trăm so với nhu cầu tiêu thụ hằng ngày của người dân? Việc quy hoạch vùng sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố, trong đó có việc liên kết với các địa phương khác để bảo đảm an toàn thực phẩm cho thành phố được tiến hành ra sao?”, đại biểu Nguyễn Quang Thắng nêu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyên Xuân Đại trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành
Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp của phường Phúc Lộc hiện nay là 51ha, trong đó rau màu chiếm 8,5ha và diện tích trồng rau muống như trong phóng sự nêu khoảng 1,5ha. Dù diện tích nhỏ nhưng người dân địa phương đang thực hiện việc trồng xen kẹt các loại rau màu, vì thế việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật còn gặp khó khăn.
Trước thực tế đó, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành quy định này. Thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng này; đồng thời có các chính sách hỗ trợ để người dân thực hiện việc trồng và sử dụng rau an toàn.
“Chúng tôi đang báo cáo thành phố về phê duyệt các vùng trồng rau an toàn để kiểm soát nghiêm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định này nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, về lĩnh vực trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật, cần thiết phải tăng cường sự quản lý của cơ quan chức năng, đặc biệt của chính quyền địa phương. Cần quản lý các nguồn thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi cả nước. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan nhiều khâu: Trồng trọt, chăn nuôi, lưu thông, bảo quản, chế biến...
“Thành phố tiếp thu ý kiến các đại biểu và tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.
Đại biểu Trịnh Xuân Quang chất vấn. Ảnh: Viết Thành
Đề cập tồn tại ở những chợ đầu mối trên địa bàn thành phố hiện nay, đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ đại biểu số 9) đặt câu hỏi: “Hiện nay, chợ đầu mối còn rất hạn chế về các điều kiện bảo đảm an toàn, như thiếu khu sơ chế, không có hệ thống xử lý nước thải, việc truy xuất nguồn gốc tại chợ yếu, tình trạng buôn bán nông sản không rõ nguồn gốc tại các chợ đầu mối diễn ra phổ biến. Vậy cơ quan chức năng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên”?
Trong khi đó, đại biểu Vũ Mạnh Hải (Tổ đại biểu số 18) đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Hà Nội hiện còn 85 chợ “cóc”, chợ tạm. Con số này đã rà soát hết chưa và Sở có giải pháp gì để giải quyết triệt để chợ “cóc”, chợ tạm; giải pháp gì tháo gỡ các vướng mắc để phát triển các chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội hiện nay?
Đại biểu Vũ Mạnh Hải chất vấn. Ảnh: Viết Thành
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại thông tin, Hà Nội có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai) và 5 chợ có tính chất như chợ đầu mối (Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ đêm Văn Quán, chợ rau Đông Anh, chợ Bích Hòa).
Phần lớn các chợ tồn tại từ trước nên các hạng mục xây dựng không đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, ban quản lý của 2 chợ đầu mối cũng chưa đồng nhất, không chuyên nghiệp.
Về công tác quản lý, Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý các doanh nghiệp trong chợ đầu mối, còn địa phương quản lý các hộ kinh doanh trong chợ. Số hộ kinh doanh tại 2 chợ đầu mối rất lớn và việc quản lý còn bất cập. Vì thế, thời gian tới cần xây dựng lại quy trình, quy chế hoạt động; phối hợp giữa cac ngành để xử lý vi phạm tại các chợ...
Theo Giám đốc Sở Công Thương Võ Nguyên Phong, giai đoạn 2024-2025, thành phố đã khởi công và cơ bản hoàn thành 18 chợ, cải tạo 41 chợ... 6 tháng cuối năm 2025, thành phố tiếp tục khởi công 15 chợ và cải tạo thêm 20 chợ. Khi các chợ được đưa vào hoạt động sẽ góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chợ hoạt động an toàn.
85 chợ “cóc” là số liệu đã qua rà soát với các địa phương và việc để các chợ “cóc” tồn tại thuộc trách nhiệm của chính quyền các địa phương.
“Để hạn chế tình trạng chợ “cóc” tự phát, Sở Công Thương đề nghị thực hiện tốt 4 nội dung: Chính quyền cấp xã rà soát, lập kế hoạch xử lý chợ “cóc” và khi xử lý xong phải có giải pháp để duy trì trật tự tại các điểm kinh doanh tự phát; tích cực tuyên truyền để người dân có thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Cùng với đó là tập trung rà soát, thực hiện đầu tư các chợ theo quy hoạch, có cơ chế chính sách đưa tiểu thương vào kinh doanh tại chợ được quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chính sách xã hội hóa xây dựng chợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư chợ, thu hút tiểu thương vào chợ kinh doanh...”, Giám đốc Sở Công Thương Võ Nguyên Phong trả lời.