A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Những thay đổi về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của tòa án

Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐTP hướng dẫn việc tiếp nhận nhiệm vụ và thực hiện thẩm quyền của các TAND. Đáng chú ý, Nghị quyết đã quy định thẩm quyền của từng cấp tòa án trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC).

 

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND các cấp được quy định cụ thể. Đồ họa: Hoàng Minh

Nghị quyết được ban hành dựa trên các quy định của Luật Tổ chức TAND, các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm đảm bảo áp dụng đúng và thống nhất pháp luật.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết bao gồm TAND Tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện và TAND khu vực.

Thẩm quyền giải quyết KNTC của từng cấp tòa án được quy định cụ thể tại Nghị quyết phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức và phân công nhiệm vụ của hệ thống tư pháp Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

TAND Tối cao

Điều 2 Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐTP quy định TAND Tối cao có thẩm quyền giải quyết KN đối với các quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng là Chánh án Tòa án Phúc thẩm TAND Tối cao, Chánh án TAND cấp cao và Chánh án TAND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng giải quyết KN đối với quyết định giải quyết KN lần đầu của các chánh án nêu trên.

Giải quyết KN đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án của TAND cấp cao trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm.

Về TC, TAND Tối cao sẽ giải quyết các TC về vi phạm pháp luật của Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp tỉnh, cũng như của người tiến hành tố tụng thuộc TAND cấp cao, Tòa án Phúc thẩm TAND Tối cao, TAND cấp cao.

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao

Từ ngày 1/7/2025, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao sẽ giải quyết KN đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án của TAND cấp cao trong giải quyết các vụ án, vụ việc theo thủ tục phúc thẩm.

Giải quyết KN đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao.

Ngoài ra, giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác đã được TAND cấp tỉnh giải quyết mà có yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Ví dụ, giải quyết KNTC, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện…

TAND cấp tỉnh

TAND cấp tỉnh giải quyết KN, kiến nghị của TAND khu vực trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Giải quyết KN đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án, Hội thẩm Nhân dân của TAND cấp tỉnh; Chánh án TAND khu vực; giải quyết KN đối với quyết định giải quyết KN lần đầu của Chánh án TAND khu vực.

Đối với TC, TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết TC về vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng thuộc TAND cấp tỉnh (trừ Chánh án, Phó Chánh án); giải quyết TC hành vi vi phạm pháp luật của Chánh án, Phó Chánh án TAND khu vực.

Chánh án TAND cấp tỉnh cũng có thể kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của các cấp tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

TAND khu vực

Giải quyết KN đối với các quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng là phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án của TAND khu vực.

Đồng thời, giải quyết TC về vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng thuộc TAND khu vực (trừ Chánh án, Phó Chánh án).

Chánh án TAND khu vực có quyền kiến nghị Chánh án TAND cấp tỉnh xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Nghị quyết này là một bước tiến quan trọng, đảm bảo rằng mọi KNTC trong hoạt động tư pháp được giải quyết một cách rõ ràng, minh bạch và theo đúng thẩm quyền. Việc xử lý KNTC là động lực quan trọng, nâng cao kỷ luật trong tổ chức tòa án, tạo sự giám sát chéo và ngăn ngừa hành vi lạm quyền.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết