Từ năm 2026, Viện Kiểm sát sẽ được quyền khởi kiện dân sự bảo vệ nhóm yếu thế
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 205/2025/QH15, chính thức cho phép thí điểm việc Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích từ ngày 1/1/2026. Đây được coi là bước tiến quan trọng để bảo vệ quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công cộng tại 6 địa phương lớn trong 3 năm.
Ảnh: Quỳnh An
Theo Nghị quyết 205/2025/QH15, Viện Kiểm sát Nhân dân được quyền khởi kiện vụ án dân sự công ích nhằm bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát chỉ được khởi kiện nếu trước đó đã thông báo, kiến nghị mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khởi kiện không thực hiện.
Các vụ án dân sự công ích do Viện Kiểm sát khởi kiện sẽ không được hòa giải và bị đơn không được đưa ra yêu cầu phản tố. Quá trình giải quyết được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này; nếu chưa quy định thì áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự và các quy định pháp luật liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng phải phối hợp với Viện Kiểm sát và Tòa án trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về thẩm quyền, Viện Kiểm sát khu vực có quyền khởi kiện vụ án dân sự công ích thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cùng cấp. Trong những vụ án phức tạp, giá trị thiệt hại lớn, xảy ra trên nhiều khu vực hoặc có yếu tố nước ngoài, Viện Kiểm sát cấp tỉnh có thể trực tiếp khởi kiện hoặc kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ rồi phân công cho Viện Kiểm sát khu vực khởi kiện. Với các vụ án rất phức tạp, giá trị thiệt hại rất lớn, xảy ra trên nhiều tỉnh/thành, hoặc có yếu tố an ninh, đối ngoại, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể khởi kiện hoặc phân công cho cấp dưới.
Nghị quyết quy định cụ thể các nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Kiểm sát, gồm: Tiếp nhận, xử lý thông tin về xâm phạm quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công; kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền dân sự, tài sản và bảo đảm thu thập, bảo vệ chứng cứ.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt vi phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả; đình chỉ, phục hồi việc kiểm tra, xác minh; thông báo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện; hỗ trợ việc khởi kiện. Viện Kiểm sát cũng thực hiện quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Nghị quyết số 205/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 và sẽ được triển khai thí điểm trong 3 năm tại 6 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh và Đắk Lắk. Đây được xem là giải pháp nhằm lấp khoảng trống pháp lý khi không có người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công, góp phần xây dựng nền tư pháp dân sự công bằng, nhân văn và tiến bộ.