A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bắc Ninh: Tràn lan 'hàng ngoại' không nhãn phụ tại phố Ngọc Hân Công Chúa

Nhiều cửa hàng, siêu thị trên phố Ngọc Hân Công Chúa (Bắc Ninh) bán hàng nội địa Trung Quốc nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Nhiều hàng hóa nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ 

Tuyến phố Ngọc Hân Công Chúa, một trong những trục thương mại mới nổi của phường Võ Cường, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều khách hàng có nhu cầu mua sắm hàng Trung Quốc nội địa. Tại đây, hàng loạt siêu thị lớn, nhỏ mang biển hiệu như Meiyijia, Van Gia MART, Yi Jie... mọc lên sát vách nhau, biển hiệu chủ yếu sử dụng tiếng Trung Quốc, tông màu đỏ nổi bật, thu hút sự chú ý từ xa.

Dù có hình thức bài bản, hiện đại, nhưng theo ghi nhận thực tế của phóng viên, hàng hóa thiếu nhãn theo quy định một tình trạng đáng báo động, diễn ra phổ biến ở các cửa hàng. Tại đây, rất nhiều sản phẩm ngoại nhập được bày bán có tem nhãn phụ tiếng Việt, vi phạm nghiêm trọng quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa.

Tại cửa hàng tiện lợi Meiyijia (số 39 Ngọc Hân Công Chúa), hàng loạt sản phẩm rượu mạnh có giá từ 1 đến 5 triệu đồng được bày bán mà không hề có nhãn phụ. Nhiều sản phẩm có hình dạng giống thuốc nhỏ mắt, dầu xoa bóp… nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, gây khó khăn trong việc lựa chọn và dễ dẫn đến nhầm lẫn khi sử dụng. Người tiêu dùng không thể biết được công dụng thực sự của sản phẩm, cách dùng, liều lượng hay các cảnh báo an toàn cần thiết. Trong khi đó, bao bì toàn tiếng nước ngoài khiến việc phân biệt đâu là thực phẩm chức năng, đâu là mỹ phẩm hoặc dược liệu trở nên gần như bất khả thi nếu không có sự tư vấn đáng tin cậy.

Bắc Ninh: Tràn lan 'hàng ngoại' không nhãn phụ tại phố Ngọc Hân Công Chúa - 1

Nhiều sản phẩm là rượu của cửa hàng tiện lợi Meiyijia không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không niêm yết giá. Ảnh: Hải Sơn

Nhiều sản phẩm là rượu của cửa hàng tiện lợi Meiyijia không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không niêm yết giá. Ảnh: Hải Sơn

Cách đó không xa, tại Van Gia MART (cạnh số 47), các kệ hàng trưng bày đa dạng mỹ phẩm, đồ khô, bánh kẹo và thảo dược. Không ít sản phẩm, trong số đó có bao bì in hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc, nhưng không có nhãn phụ. Các loại dầu gội, sữa tắm nhãn nội địa Trung Quốc cũng không có bất kỳ dòng tiếng Việt nào. Đáng chú ý, khu vực bán thảo mộc sấy khô được đóng túi zip, không nhãn, không cảnh báo, không thông tin sử dụng, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đưa ra thị trường, nhất là với những người cao tuổi hoặc người có bệnh lý sử dụng sai công dụng.

Bắc Ninh: Tràn lan 'hàng ngoại' không nhãn phụ tại phố Ngọc Hân Công Chúa - 3

Nhiều sản phẩm là mỹ phẩm tại cửa hàng Vạn Gia MART không tem nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: Hải Sơn

Nhiều sản phẩm là mỹ phẩm tại cửa hàng Vạn Gia MART không tem nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: Hải Sơn

Tình trạng tương tự được ghi nhận tại siêu thị Yi Jie (số 55 Ngọc Hân Công Chúa), nơi hoạt động như một trung tâm bán lẻ tổng hợp. Tại đây, các sản phẩm kem đánh răng (Darlie, Crest, Colgate nội địa Trung Quốc), các thiết bị gia dụng như ấm đun siêu tốc, vợt muỗi, bếp điện… đều không có nhãn phụ tiếng Việt. Mọi thông tin chỉ in tiếng Trung, không hướng dẫn sử dụng, không thể hiện xuất xứ rõ ràng, không đơn vị phân phối, càng không có tem hợp chuẩn hay công bố chất lượng.

Một thực trạng phổ biến khác tại nhiều cửa hàng trên tuyến phố này là hàng hóa không được niêm yết giá công khai; chỉ khi khách hàng chủ động hỏi, nhân viên mới dùng thiết bị để quét mã và thông báo giá, gây thiếu minh bạch trong giao dịch, tiềm ẩn nguy cơ mua nhầm, mua sai, mua hớ mà không có cơ sở để khiếu nại.

Nhân viên lý giải vòng vo, lộ rõ bất cập trong bán hàng

Khi phóng viên đặt câu hỏi trực tiếp về lý do vì sao sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, nhân viên tại cả ba cửa hàng đều trả lời theo kiểu “cho qua chuyện”. Tại Meiyijia, một nhân viên trả lời: “Cái này là trưng bày thôi nên không dán. Nếu anh cần loại có tem thì em sẽ tìm”. Còn nhân viên bán hàng tại Vạn Gia MART, đưa ra lý do là: “Chúng em chưa kịp dán”.

Những câu trả lời này không chỉ cho thấy sự coi thường quy định pháp luật, mà còn gián tiếp thừa nhận việc hàng hóa đang bày bán không đảm bảo điều kiện lưu thông hợp pháp trên thị trường.

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ, được sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa”.

Khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại nghị định này”.

Như vậy, việc hàng loạt cửa hàng tại phố Ngọc Hân Công Chúa bày bán sản phẩm nhập khẩu thiếu nhãn phụ, thiếu niêm yết giá, thiếu minh bạch thông tin không chỉ là hành vi vi phạm hành chính, mà còn đe dọa trực tiếp quyền được thông tin, quyền lựa chọn và an toàn của người tiêu dùng.

Cần xử lý nghiêm để thiết lập lại kỷ cương thị trường

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế và các cơ quan chuyên trách đã tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không nhãn phụ, vi phạm quy định về an toàn sản phẩm. Nhiều vụ việc đã bị xử phạt, hàng hóa bị tiêu hủy, chủ cơ sở bị xử lý hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra hình sự.

Tuy nhiên, thực trạng tại tuyến phố Ngọc Hân Công Chúa (tỉnh Bắc Ninh) cho thấy, các vi phạm vẫn diễn ra ngang nhiên, đặc biệt tại các cơ sở mang danh “siêu thị nội địa Trung Quốc”, với hàng hóa phong phú nhưng thiếu kiểm soát.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc không chỉ kiểm tra định kỳ mà cần kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm và công khai thông tin để răn đe các cơ sở khác. Nếu không xử lý kiên quyết, các vi phạm sẽ dần trở thành chuyện thường ngày, làm xói mòn kỷ cương thị trường và đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng.

Chỉ khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, người tiêu dùng mới thực sự được bảo vệ, và môi trường kinh doanh tại các đô thị như Bắc Ninh mới phát triển bền vững, lành mạnh.

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ, được sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa”.


Tác giả: Hải Sơn - Đăng Khoa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết