Bỏ giáng chức, hạ bậc lương: Bước cải cách nhân văn trong xử lý kỷ luật công chức
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 của Chính phủ, chính thức bãi bỏ hai hình thức kỷ luật công chức là giáng chức và hạ bậc lương. Đây là chuyển biến rõ nét trong cải cách nền công vụ, hướng đến sự minh bạch, nhân văn và thực chất hơn trong quản lý, xử lý vi phạm công chức, đồng thời giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh trong quá trình thực thi kỷ luật hành chính.
Hướng đến sự minh bạch, nhân văn và thực chất hơn trong quản lý. Ảnh: Lan Anh
Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TNHH TAT, việc loại bỏ giáng chức và hạ bậc lương là một bước đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Ông nhấn mạnh, cả hai hình thức này đều bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình áp dụng: vừa thiếu hiệu quả răn đe, vừa tạo ra áp lực tâm lý lớn cho công chức, đồng thời gây phức tạp trong tổ chức bộ máy.
“Bỏ giáng chức giúp giảm nguy cơ xáo trộn nhân sự không cần thiết, trong khi việc bỏ hạ bậc lương tạo điều kiện để công chức không giữ chức vụ có cơ hội sửa sai, phấn đấu mà không phải gánh chịu hình thức trừng phạt mang tính triệt tiêu động lực,” ông Tú phân tích.
Luật sư Tú cũng cho rằng, thay đổi này sẽ góp phần đơn giản hóa quy trình xử lý kỷ luật, tránh chồng chéo giữa các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ giữa kỷ luật hành chính và kỷ luật Đảng, điều mà lâu nay vẫn là điểm nghẽn trong quản lý công chức.
Dù vậy, ông cảnh báo rằng: “Việc bỏ hình thức giáng chức, hạ bậc lương không đồng nghĩa với nới lỏng kỷ luật. Cần thiết phải có cơ chế tăng nặng, giảm nhẹ hay miễn kỷ luật dựa trên tính chất vi phạm và quá trình công tác của công chức”. Luật sư Tú nhấn mạnh pháp luật hành chính phải đủ mềm dẻo để xử lý vi phạm nghiêm khắc, nhưng cũng phải đủ linh hoạt để không triệt tiêu động lực phấn đấu của người làm công vụ.
Từ góc độ thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo, bà Vũ Thị Huệ - Trưởng phòng Tiếp công dân 1, Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ cho biết việc loại bỏ hai hình thức giáng chức và hạ bậc lương là bước điều chỉnh rất cần thiết.
Theo bà Huệ, trong quá trình tiếp nhận đơn thư, nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài có nguyên nhân trực tiếp từ việc áp dụng các hình thức kỷ luật không phù hợp, đặc biệt là giáng chức và hạ bậc lương. Những hình thức này thường gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người bị xử lý, từ đó phát sinh tranh chấp, làm kéo dài quá trình giải quyết.
“Chúng tôi chứng kiến nhiều vụ việc lẽ ra có thể giải quyết đơn giản, nhưng vì hình thức giáng chức ảnh hưởng đến quyền lợi chức vụ nên dẫn đến khiếu kiện gay gắt, thậm chí kéo dài qua nhiều cấp”, Trưởng phòng Tiếp công dân 1 chia sẻ.
Với quy định mới tại Nghị định số 172/2025/NĐ-CP, hệ thống xử lý kỷ luật hiện còn 4 hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (dành cho công chức lãnh đạo, quản lý) và buộc thôi việc. Đồng thời, nghị định cũng nêu rõ các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật như công chức đang điều trị bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đang bị tạm giữ, điều tra.
“Những điểm mới này không chỉ thể hiện tính nhân văn trong chính sách công mà còn giúp cơ quan Nhà nước thuận lợi hơn trong bố trí, sắp xếp công việc, ổn định tổ chức và giữ vững kỷ luật hành chính,” bà Huệ đánh giá.
Đồng thời, bà đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kỷ luật công chức tới cán bộ, người dân và các cơ quan tiếp dân để hạn chế phát sinh đơn thư khiếu nại từ các quy định chưa được hiểu đúng.
Bãi bỏ hai hình thức giáng chức và hạ bậc lương là bước điều chỉnh pháp lý quan trọng
Bãi bỏ hai hình thức giáng chức và hạ bậc lương là bước điều chỉnh pháp lý quan trọng, không chỉ khắc phục bất cập trong xử lý kỷ luật công chức mà còn tạo nền tảng cho một nền hành chính hiện đại, linh hoạt và hiệu quả hơn.
Thay đổi này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu khiếu kiện, tranh chấp, tăng tính minh bạch trong xử lý vi phạm, đồng thời giúp công chức yên tâm công tác, phát huy năng lực trong môi trường làm việc công bằng và minh bạch hơn.
Để đạt hiệu quả cao nhất, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn triển khai đồng bộ, đẩy mạnh đào tạo cán bộ và tăng cường công khai, minh bạch trong quy trình xử lý kỷ luật công chức, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.