Nhật Bản tiếp sức cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Breaking Defense cho biết, Nhật Bản đang nỗ lực tiếp sức cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa sau nhiều năm bị thu hẹp quy mô.
Hồi năm ngoái, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua "Đạo luật về tăng cường sản xuất quốc phòng và các cơ sở công nghệ". Mục đích của đạo luật là tiếp sức cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản thông qua việc thiết lập các cơ chế mới để "bơm tiền" cho những doanh nghiệp nội địa tham gia lĩnh vực này cùng các nhà cung ứng của họ. Trả lời phỏng vấn Breaking Defense, ông Ryota Nakatsuji, một đại diện từ cơ quan phụ trách mua sắm quốc phòng của Nhật Bản cho biết, kể từ khi đạo luật chính thức có hiệu lực vào tháng 10-2023, Chính phủ nước này đã ký các hợp đồng trị giá khoảng 10 tỷ yen (khoảng 64 triệu USD) với những nhà cung ứng quốc phòng trong nước đang gặp khó khăn.
Triển lãm Trang bị quốc phòng và an ninh Nhật Bản (DSEI JAPAN) 2023 được tổ chức tại thành phố Chiba (Nhật Bản), tháng 3-2023. Ảnh: The Yomiuri Shimbun |
Theo ông Nakatsuji, trước khi đạo luật ra đời, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chỉ được phép ký hợp đồng với các nhà thầu chính, khiến Tokyo "bị hạn chế tầm nhìn" về chuỗi cung ứng sản phẩm quốc phòng, khó xoay sở trong trường hợp các nhà thầu này gặp vấn đề. Với đạo luật nói trên, các nhà thầu chính cũng như những doanh nghiệp "nằm sâu hơn" trong chuỗi cung ứng có thể được hỗ trợ tài chính nếu có kế hoạch tăng cường an ninh mạng hoặc năng lực sản xuất và gửi đề xuất tới Bộ Quốc phòng Nhật Bản. "Ví dụ, một doanh nghiệp Nhật Bản tham gia lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thể được hỗ trợ tài chính để nâng cao sức khỏe chuỗi cung ứng bằng cách chuyển từ nhập khẩu một số linh kiện nước ngoài sang sử dụng các linh kiện được sản xuất trong nước. Từ đây, rủi ro có thể được giảm thiểu theo quan điểm của các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhiều người lấy làm vui mừng với điều này vì trước kia, các nhà thầu chính không có cách nào để giải quyết những vấn đề liên quan tới các nhà cung ứng của họ", ông Nakatsuji nhấn mạnh.
Một điểm quan trọng khác là đạo luật cho phép Bộ Quốc phòng Nhật Bản điều chỉnh giá trị các hợp đồng căn cứ theo mức lạm phát thực tế, đồng thời tăng mức lợi nhuận từ 5% có thể lên tới 10% trên các hợp đồng. Mục đích là khuyến khích những nhà thầu chính "đáp ứng các mục tiêu về chi phí, tiến độ hoặc hiệu suất", qua đó giúp giải quyết được "mối quan ngại bấy lâu nay" vốn là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rời bỏ ngành công nghiệp quốc phòng.
Breaking Defense cho biết, Nhật Bản đang nỗ lực tiếp sức cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa giữa lúc hơn 100 doanh nghiệp lớn của nước này đã cắt giảm quy mô hoặc rút khỏi lĩnh vực công nghiệp quốc phòng trong vòng 20 năm qua. Nguyên nhân chính, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), là các hợp đồng ký với Bộ Quốc phòng Nhật Bản mang lại mức lợi nhuận thấp, có khi doanh nghiệp chỉ hòa vốn. Một nguyên nhân khác được chuyên gia Yuki Tatsumi tại Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington chỉ ra là trong một thập niên vừa qua, Chính phủ Nhật Bản tăng cường mua sắm các sản phẩm quốc phòng do nước ngoài sản xuất, khiến ngành công nghiệp quốc phòng nội địa khó phát triển. Chuyên gia Tatsumi cũng lưu ý rằng, đối với các nhà thầu quốc phòng chính của Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries hay Kawasaki Heavy Industries, các hợp đồng sản xuất quốc phòng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của họ. Ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản "sẽ không trụ được lâu nếu để mặc như vậy". Vì thế, đạo luật mới "rất hữu ích", là cơ hội để Bộ Quốc phòng Nhật Bản thu hút các nhà cung ứng, nhất là những nhà cung ứng thứ cấp, quay trở lại lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Phương tiện mặt nước không người lái của Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries được trưng bày tại Triển lãm Trang bị quốc phòng và an ninh Nhật Bản (DSEI JAPAN) 2023, tháng 3-2023. Ảnh: Reuters |
Theo Breaking Defense, quy mô bị thu hẹp không phải là vấn đề duy nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản. Giống như nhiều quốc gia khác đang nỗ lực hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, Nhật Bản cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề kể từ sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, tình trạng này của Nhật Bản được đánh giá là trầm trọng hơn do tốc độ già hóa dân số nhanh. Cùng với đó là những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), robot... chưa được tích hợp đầy đủ vào việc sản xuất các sản phẩm quốc phòng. "Đó là lý do tại sao các loại máy móc, các dây chuyền sản xuất hiệu quả hơn... trở nên rất quan trọng. Chúng tôi có thể phải trông cậy nhiều hơn vào AI hoặc một số công nghệ mới. Chúng tôi cần trông cậy không chỉ vào các doanh nghiệp truyền thống mà có thể là cả những gương mặt mới tham gia lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, trong đó có các công ty khởi nghiệp (startup)", ông Nakatsuji nói với Breaking Defense.
HOÀNG VŨ