A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Mới đây, hãng thông tấn TASS dẫn công bố của Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) xác nhận, tăng trưởng GDP của Nga trong quý I-2024 đạt 5,4%. Trong đó, đóng góp chính vào tăng trưởng GDP là các ngành thương mại bán buôn và bán lẻ, ngành chế biến, xây dựng, khách sạn và nhà hàng...

Trước đó, Tân Hoa xã dẫn báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay, kinh tế Nga được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%), Pháp (0,7%).

Bất chấp khoảng 19.000 lệnh trừng phạt-con số chưa từng có-mà các nước phương Tây áp đặt, kinh tế Nga không những duy trì tăng trưởng ổn định mà còn vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu. Vậy điều gì đã giúp Nga trụ vững trước áp lực trừng phạt và tiếp tục tăng trưởng?

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg (Nam Phi), ngày 23-8-2023. Ảnh: PIB 

Theo Tân Hoa xã, phương Tây đã nhiều lần gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, mở rộng lệnh cấm vận đối với hàng hóa và phong tỏa công nghệ của Nga, đồng thời buộc hàng trăm công ty lớn phải rời khỏi thị trường Nga trong nỗ lực cắt đứt chuỗi cung ứng quốc tế. “Tuy nhiên, về cơ bản, phương Tây đã thất bại trong việc làm suy yếu huyết mạch kinh tế quan trọng của Nga: Ngành năng lượng”, Tân Hoa xã nhận định.

Trong khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu than và dầu thô của Nga bằng đường biển, thì Ủy ban châu Âu (EC) không đề xuất lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga.

Tờ Politico cho hay, trên thực tế, Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha vẫn mua mặt hàng này của Nga với số lượng lớn. Là quốc gia dẫn đầu Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và viện trợ tích cực nhất cho Kiev trong nỗ lực chống lại Moscow, Mỹ cũng tỏ ra thận trọng trong việc dừng nguồn cung dầu của Nga, bởi hơn ai hết, Washington hiểu rõ nguồn cung bị thu hẹp có thể tạo ra tác động kép khiến giá dầu tăng mạnh, gây ra sự gián đoạn đáng kể trên thị trường năng lượng quốc tế và do đó, có thể làm tăng doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga.

Trong hai năm qua, kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng thích ứng đáng kể trước các biện pháp trừng phạt và giới phân tích tin rằng phương Tây “gần như đã cạn kiệt các lựa chọn trừng phạt chống lại Nga”.

Năm 2023, GDP của Nga bất ngờ đạt mức tăng trưởng 3,6%, cao hơn đáng kể so với dự báo. Cũng trong năm này, tỷ lệ thất nghiệp trung bình hằng năm ghi nhận ở mức 3,2%, mức thấp nhất kể từ năm 1992. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Andrey Belousov-cũng là một chuyên gia kinh tế khẳng định, Nga đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới nếu duy trì mức tăng trưởng bền vững ít nhất 2% mỗi năm và tăng tốc dần lên 3%.

Là nhà sản xuất dầu khí lớn trên toàn cầu, Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ xuất khẩu năng lượng. Tình hình địa chính trị ngày càng xấu đi và các biện pháp trừng phạt gia tăng buộc Nga phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhằm tăng cường đóng góp của các ngành phi năng lượng vào GDP.

Từng bước, Moscow thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu, ban đầu tập trung vào tổ hợp công-nông nghiệp, sau mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ thông tin và cơ khí. Ngày nay, nhiều nhà sản xuất nội địa Nga đã xây dựng được thương hiệu vững chắc, lấp đầy những khoảng trống do các nhà cung cấp nước ngoài để lại sau khi buộc phải rời bỏ thị trường Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, máy móc hạng nặng, đóng tàu.

Mới đây, Thủ tướng Mikhail Mishustin công bố kế hoạch tăng khối lượng xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng lên gấp rưỡi hiện tại: “Tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao bản địa được tạo ra dựa trên sự phát triển của chính các doanh nghiệp Nga sẽ tăng 1,5 lần trong 6 năm”, TASS dẫn lời Thủ tướng Mishustin.

Để chống lại sự cô lập và cấm vận của phương Tây, Nga thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại với các nước thông qua những khuôn khổ, cơ chế hợp tác đa phương như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)... Trong một cuộc gặp với các doanh nhân, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Dường như chúng ta đang bị bóp nghẹt và gây áp lực từ mọi phía, nhưng chúng ta vẫn là nền kinh tế lớn nhất châu Âu”.

HÀ PHƯƠNG


Tags: Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết