"Trợ thủ" AI cho ngân hàng trong thực hành Báo cáo phát triển bền vững
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cả hệ thống hiện có 13-15 ngân hàng thương mại đã công bố được Báo cáo Phát triển bền vững độc lập, riêng năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 đã có thêm 6 ngân hàng thương mại chính thức công bố Báo cáo này.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI”
Còn hạn chế về nguồn lực và pháp lý
Phát biểu tại tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức vào ngày 21/5/2025, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, việc xây dựng và công bố Báo cáo phát triển bền vững là công cụ quan trọng để các tổ chức tài chính thể hiện cam kết, minh bạch hóa hoạt động, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hướng tới một nền kinh tế xanh và toàn diện.
Theo số liệu thống kê, năm 2024 số lượng doanh nghiệp lập Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt tăng kỷ lục là 33 tổ chức.
Thực hiện quy định tại Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính, hầu hết tổ chức tín dụng đã báo cáo và tích hợp nội dung phát triển bền vững trong báo cáo thường niên của ngân hàng.
Báo cáo của NHNN cho biết, hiện có khoảng 13-15 ngân hàng thương mại đã công bố được Báo cáo Phát triển bền vững độc lập của mình. Xu hướng công bố Báo cáo Phát triển bền vững tăng mạnh trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, khi gần đây ngành Ngân hàng có thêm 6 ngân hàng thương mại công bố Báo cáo mới.
Nguồn: NHNN
Về kết quả thực hành Báo cáo, theo thông tin từ NHNN, tính đến 31/3/3035, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, đạt trên 704.200 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (37%) và nông nghiệp xanh (29%).
Giai đoạn 2017-2024, dư nợ cấp tín dụng xanh bình quân đạt gần 21,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Tính đến ngày 31/3/2025 có 57 tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội với dư nợ hơn 3,62 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với thời điểm 2017.
Mặc dù kết quả đã có nhiều tích cực, song theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, việc thực hành và công bố Báo cáo Phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành Ngân hàng, vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu. Những thách thức về khung pháp lý, nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu và đặc biệt là cách thức thu thập, xử lý thông tin một cách hiệu quả và minh bạch vẫn là những rào cản đáng kể.
Quang cảnh toạ đàm.
Phân tích cụ thể hơn, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng Chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, khó khăn của các tổ chức tín dụng khi thực hiện Báo cáo Phát triển bền vững là chi phí đầu tư, thuê tư vấn xây dựng báo cáo còn cao; lực lượng cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu còn hạn chế. Hơn nữa là thiếu khung pháp lý để xây dựng danh mục đầu tư xanh, phát triển bền vững của các ngân hàng thương mại.
Cần sử dụng phù hợp và tránh "tẩy xanh"
Chính vì vậy, tại toạ đàm, các chuyên gia đã khuyến nghị "trợ thủ" từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số hiện đại để giúp nâng cao hiệu quả quản trị dữ liệu, tăng cường năng lực phân tích, giám sát và hỗ trợ quá trình ra quyết định một cách kịp thời, minh bạch.
Trong đó, ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu Chuyên sâu, ACCA toàn cầu cho rằng, AI có thể hỗ trợ việc công bố thông tin phát triển bền vững một cách hiệu quả, ý nghĩa và chặt chẽ hơn.
Ông Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT cũng cho biết, FPT đã triển khai giải pháp VertZéro cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, mang lại giá trị thực tiễn cho cả khối ngân hàng và các doanh nghiệp sản xuất trong hành trình quản lý và báo cáo phát thải.
Cụ thể là VertZéro được tích hợp công nghệ AI, giúp tự động hóa quá trình kiểm kê khí nhà kính theo thời gian thực, từ thu thập - xử lý - xác minh đến lập báo cáo. Đồng thời thiết lập cơ chế giám sát và truy xuất dữ liệu tập trung giữa các đơn vị trong toàn hệ thống ngân hàng, đảm bảo dữ liệu được cập nhật, theo dõi và kiểm soát minh bạch; cũng như hỗ trợ ngân hàng đưa ra các kịch bản dự báo phát thải và lập kế hoạch giảm phát thải carbon phù hợp...
Tuy nhiên, vị chuyên gia của ACCA nhấn mạnh, AI phải được sử dụng một cách có đạo đức, minh bạch và phù hợp với các khuôn khổ quốc tế... Đồng thời ông Mike Suffield cảnh báo các rủi ro như thiên lệch dữ liệu, hạn chế trong tính minh bạch của thuật toán và hiện tượng “greenwashing” (tẩy xanh).
Về phía NHNN, cơ quan này khuyến nghị các ngân hàng cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, tiếp cận, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn phù hợp; đồng thời nên chủ động nghiên cứu, tìm kiếm tư vấn xây dựng khuôn khổ quản trị hướng tới phát triển bền vững; bố trí nguồn lực để đầu tư cho thực hành ESG, công bố Báo cáo Phát triển bền vững.