A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quân đội Mỹ đầu tư mạnh cho tác chiến điện tử

Trong bối cảnh tác chiến điện tử ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong các cuộc đối đầu quân sự, Mỹ là nước đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực này, chiếm gần một nửa tổng đầu tư toàn cầu cho tác chiến điện tử.

Một tổ hợp tác chiến điện tử của quân đội Mỹ.

Tác chiến điện tử được sử dụng ở tất cả các môi trường trên bộ, trên biển, trên không, ngoài không gian và không gian mạng, thường bao gồm tấn công tác chiến điện tử, bảo vệ tác chiến điện tử và chi viện tác chiến điện tử.

Theo trang 81.cn, những năm gần đây, đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực tác chiến điện tử đã tăng đáng kể, từ hơn 1 tỷ USD năm 2021 lên 5 tỷ USD vào năm 2024. Trong 11 tỷ USD của 9 quốc gia đầu tư nhiều nhất cho tác chiến điện tử, Mỹ chiếm 45%. Dự báo trong 10 năm tới, con số này sẽ tăng lên 16 tỷ USD, riêng đầu tư của Mỹ sẽ tăng lên 7,5 tỷ USD.  

Quân đội Mỹ rất coi trọng năng lực tác chiến điện tử của các quân chủng và sở chỉ huy các cấp, nhưng có sự khác biệt về đầu tư cho từng đơn vị. Theo đó, đầu tư cho các nền tảng vũ khí tác chiến điện tử trên không chiếm 65%, trên bộ và trong không gian lần lượt chiếm 15%, trong khi đó trên biển chỉ chiếm 5%. 

Hiện tại, các dự án tác chiến điện tử của Không quân Mỹ chủ yếu bao gồm: Hệ thống sống sót cảnh báo chủ động/thụ động Eagle và máy bay cảnh báo sớm E-7A. Trong đó, hệ thống sống sót cảnh báo chủ động/thụ động Eagle được BAE Systems phát triển nhằm cung cấp giải pháp tổng thể về cảnh báo radar, định vị địa lý, nhận biết tình huống và khả năng tự bảo vệ cho máy bay chiến đấu F-15. Hệ thống này đã hoàn thành thử nghiệm và đánh giá hoạt động ban đầu. Dự kiến, lực lượng Không quân Mỹ sẽ nhận lô máy bay chiến đấu F-15E đầu tiên có trang bị hệ thống này trước mùa thu năm nay.

Máy bay cảnh báo sớm E-7A do Boeing phát triển, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2025 và đưa vào sử dụng năm 2027. Không quân Mỹ có kế hoạch trang bị ít nhất 26 máy bay loại này thay thế máy bay cảnh báo sớm E-3, nhằm nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy và kiểm soát chiến đấu.

Hiện quân đội Mỹ cũng triển khai dự án mô-đun hóa hệ thống quang phổ điện từ để bảo vệ cơ sở hạ tầng chỉ huy. Hệ thống bao gồm các máy phát đa kênh, cảm biến, bộ khuếch đại công suất và máy phát điện, được đặt trên xe kéo quân sự. Nó có thể sử dụng công nghệ điện từ để gây nhiễu hoạt động thu thập thông tin tình báo, ngăn chặn đối phương định vị mục tiêu, qua đó nâng cao khả năng sống sót của các sở chỉ huy.

Ngoài ra, quân đội Mỹ còn sử dụng hệ thống nhận biết tình huống phổ tần được phát triển từ công nghệ thương mại để nhận biết và phát hiện các tín hiệu phổ tần điện từ của sở chỉ huy, đồng minh và đối phương theo thời gian thực. Từ năm 2022, quân đội Mỹ còn triển khai nhiều mạng lưới máy bay không người lái để điều phối thực hiện các cuộc diễn tập tác chiến điện tử theo hướng thông minh, hiệp đồng tác chiến đa vùng.

THANH SƠN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết