Khai mạc Diễn đàn và Triển lãm kinh tế Xanh – GEFE 2022
Sáng 28/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam và châu Âu tham dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022.
Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ông Virginijus Sinkevicius - Cao ủy, Ủy ban châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham... cùng đoàn đại biểu đại diện các Bộ, ngành tại Việt Nam và Liên minh châu Âu.
GEFE diễn ra từ hôm nay 28/11 đến hết ngày 30/11 là sự kiện do EuroCham Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham đánh giá cao về việc nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất lại Việt Nam chú trọng bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ trong các chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Ủy ban Châu Âu và Liên minh Châu Âu rất quan tâm đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Do vậy, Diễn đàn là cơ hội để Việt Nam tăng cường các cơ hội với Liên minh Châu Âu. Thông qua các buổi đối thoại, Chính phủ các bên và doanh nghiệp có thể cùng nhau tìm ra những giải pháp để tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cắt băng khai mạc Diễn đàn và Triển lãm kinh tế Xanh – GEFE 2022 |
Diễn đàn là cơ hội để hai bên cùng nhau bàn về những giải pháp giải quyết các thách thức về thị trường. Làm sao để giảm phát thải, thúc đẩy kinh tế xanh là những nội dung rất quan trọng trên toàn thế giới.
"Trong bối cảnh hàng loạt các vấn đề đe dọa đến biến đổi khí hậu thì việc làm thế nào để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường là rất quan trọng.Khu vực tư nhân sẽ là khu vực quan trọng trong việc chuyển đổi này. Không thể quốc gia nào có thể đơn độc đạt được các mục tiêu. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp EU cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được tiến trình này", ông Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược phát triển xanh và Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động lớn của biến đổi khí hậu nên việc phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu rất quan trọng với Việt Nam.
Phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu không phải của 1 quốc gia, k quốc gia nào đứng ngoài cuộc nên cần có sự thống nhất toàn cầu. Đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong chống biến đổi khí hậu.
Chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số tác động đến toàn dân nên cần có sự hợp tác của toàn dân. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách hướng đến người dân, và người dân phải được tham gia chính sách và thụ hưởng những kết quả này. Chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay.
Trong 11 tháng năm 2022, trong bối cảnh nhiều biến động trên thế giới như lạm phát, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực... Việt Nam vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng 3 quý đạt hơn 8%, bình quân cả năm đạt 8%. Các vấn đề về an ninh lương thực, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách... đều được đảm bảo.
Trong phát triển xanh... Việt Nam đã có cam kết với các nước trên thế giới như Việt Nam cùng với 150 quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, cùng 150 quốc gia tham gia liên minh thích ứng toàn cầu...
Việt Nam cũng đang xây dựng 2 mục tiêu lớn là năm 2030 là nước phát triển hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước thu nhập cao. Để làm được điều này, Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột, thứ nhất là tình hữu nghị Việt Nam và EU. Thứ hai là xây dựng nhà nước pháp quyền - của dân, do dân, vì dân. Thứ ba là xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa.Xuyên suốt 3 trụ cột này, lấy con người làm mục tiêu. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ không hy sinh các vấn đề về môi trường.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong Liên minh châu Âu hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh và rẻ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn vốn. Mong Chính phủ, các định chế tài chính hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp giảm chi phí đẩu tư, góp phần cải tiến công nghệ. Khuyến khích đổi mới sáng tạo vào các ngành mới nổi, đầu tư cho nghiên cứu phát triển để phát triển hài hoà và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Diễn đàn |
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội EuroCham, cho rằng, phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Mục tiêu chính của GEFE 2022 là hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các cam kết COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển được nêu trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021- 2030.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh thế giới đang biến đổi, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang có những chiến lược về phát triển xanh và phát triển bền vững.
Hiện nay, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp... với Việt Nam đây là những thách thức quan trọng cần giải quyết trong thời gian tới. Nhận thức đầy đủ những thách thức này, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển năng lượng phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
"Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt được khai thác đến mức giới hạn, quá trình chuyển đổi năng lượng với xu hướng phát triển nhanh của năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đã mở ra những cơ hội mới cho thị trường năng lượng Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh..
Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 là một sự kiện vô cùng quan trọng đối với không chỉ các doanh nghiệp châu Âu mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam - Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.
Các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề: Năng lượng và tài chính xanh, xử lý chất thải và phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Mỗi phiên thảo luận sẽ được chia thành các chủ đề phụ, bao gồm tổng cộng hơn 20 chủ đề thuộc lĩnh vực xanh. Có thể kể đến như Thị trường vốn - Nhu cầu tăng trưởng của Việt Nam, Khu công nghiệp với vai trò chủ thể trong giải pháp nội địa hóa, Tại sao phải chứng nhận công trình xanh?, Giải pháp cho du lịch xanh và bền vững…
Ngoài ra, GEFE 2022 còn có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoac học, sinh viên và đại diện Chính phủ từ phía Châu Âu, Việt Nam và Đông Nam Á.