A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Diễn đàn Kinh tế 2023: Cùng Doanh nghiệp “vượt sóng”

Chiều 17/11, tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan tổ chức Diễn đàn Kinh tế 2023 - Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”.

Diễn đàn Kinh tế 2023 - Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” nhằm phân tích, dự báo tình hình kinh tế năm 2023, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị, cùng các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp.

Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ, khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Mới nhất, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

Mục tiêu của VCCI mong muốn là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ.

Đặc biệt, sự phát triển của doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng phát triển bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.

"Hơn thế, VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10% tới năm 2025. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, VCCI cũng mong muốn năm 2025, tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%", ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Năm 2023 là năm sơ kết, đánh giá giữa kỳ các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, tài chính công… Các kết quả đạt được của năm 2023 sẽ là cơ sở quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu 5 năm đã đề ra. Tuy nhiên, sơ bộ đánh giá cho thấy năm 2023 cũng là năm dự kiến có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp Việt càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để thực sự phát triển. Do vậy, doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng là điều cần thiết.

Trong bối cảnh như vậy, tại Diễn đàn các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế làm sao để khối doanh nghiệp tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ. Mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời cần cơ chế tạo động lực/ áp lực cho doanh nghiệp thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đối với lĩnh vực du lịch, cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương bên cạnh liên kết giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới mô hình liên kết có sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, dựa vào thế mạnh địa phương gắn với từng nhiệm vụ, sự kiện, dự án cụ thể. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các nút thắt của môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng…

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra lễ Vinh danh Top 15 Doanh nghiệp niêm yết có năng lực quản trị tài chính tốt 2022, trong chương trình Đánh giá năng lực Doanh nghiệp hàng năm 2022. Theo VCCI, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát, đánh giá của chương trình Đánh giá năng lực Doanh nghiệp năm 2022 đã cho thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp vượt khó vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Bức tranh của nền kinh tế cũng phần nào được phản ánh thông qua đánh giá “sức khỏe” của các doanh nghiệp niêm yết thời Covid-19.

Thông qua bức tranh 1.500 doanh nghiệp niêm yết có thể thấy, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong những năm vừa qua vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực. Điều đó có nghĩa, khả năng chống chịu với những khó khăn do thiên tai gây ra của doanh nghiệp Việt Nam là khá tốt, đó cũng là động lực để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết