A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cồn Cỏ: Đảo “thép” - đảo “ngọc”

Như một viên ngọc nằm ở biển Đông, trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ đất nước, Cồn Cỏ là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc với những mốc son lịch sử, vinh dự được Bác Hồ kính yêu 3 lần gửi thư khen ngợi “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận”. Ngày nay, Cồn Cỏ đang trở mình với sứ mệnh mới mang đến những cơ hội cho tỉnh Quảng Trị trong thu hút đầu tư du lịch.

Article thumbnail
Đảo Cồn Cỏ ngày càng phát triển với hệ thống hạ tầng trên đảo ngày càng hoàn thiện. Ảnh: Khánh Anh

Đảo nhỏ Anh hùng

Cách đất liền khoảng 15 hải lý, từ cảng Cửa Việt đã nhìn thấy đảo nhỏ nổi lên giữa biển xanh. Ngày nay, chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã có thể đặt chân lên đảo với những chuyến tàu cao tốc. Rộng chưa đầy 3km2 nhưng huyện đảo Cồn Cỏ mang trong mình cả một truyền thuyết ngàn đời của cha ông thuở khai hoang, mở cõi. Nơi đây, được cư dân Việt khám phá và đặt nền móng cho sự xác lập quyền quản lý và là điểm dừng chân trên con đường giao lưu buôn bán và khai thác hải sản từ những cái tên cổ: Cồn Cỏ hay còn gọi là Hòn Cỏ, Thảo Phù, con Hổ hay Hòn Mệ.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ đất nước, cùng với luỹ thép Vĩnh Linh, Cồn Cỏ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tượng đài bất khuất sừng sững giữa biển khơi - chiến hạm không bao giờ chìm trên biển Đông - Đảo Anh hùng.

Hòn đảo nhỏ đã được Bác Hồ kính yêu 3 lần gửi thư khen ngợi “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận”, vinh dự 2 lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Ngày 8/8/1959, nắm bắt được ý đồ của địch, Đại đội 6, của Trung đoàn 270 thuộc Sư đoàn 341 đã vượt sóng trùng khơi đến với Cồn Cỏ. Giờ phút lịch sử thiêng liêng đã điểm khi lá cờ đỏ sao vàng đã kiêu hãnh tung bay trên đỉnh đồi 63,4m vị trí cao nhất của đảo, khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của đất nước. Từ đây, Cồn Cỏ trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam.

Đế quốc Mỹ đã tập đánh phá, dội hàng ngàn tấn bom đạn các loại xuống đảo, với âm mưu san bằng và huỷ diệt đảo Cồn Cỏ… suốt gần 1.500 ngày đêm Cồn Cỏ đã sống và chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Mỗi việc làm, mỗi trận đánh, mỗi chiến công đã góp phần tô đậm thêm trang sử oanh liệt của dân tộc.

Năm 1998, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Trị, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra ý tưởng thành lập 1 đơn vị hành chính tại đảo Cồn Cỏ, theo hướng chỉ đạo đó, cuối năm 2002, 43 thanh niên đã xung phong, tình nguyện ra lập nghiệp xây dựng Cồn Cỏ thành "Đảo Thanh niên", đánh dấu bước khởi đầu của quá trình dân sự hoá đảo Cồn Cỏ.

Ngày 1/10/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định 174/2004/NĐ-CP thành lập huyện đảo Cồn Cỏ và từ đây đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị và là huyện đảo thứ 12 trên cả nước được thành lập. Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập là bộ phận cấu thành trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đảo "ngọc" giữa trùng khơi

Được kiến tạo từ ngọn núi lửa cổ giữa biển khơi triệu năm về trước, thế nên Cồn Cỏ không chỉ mang trong mình giá trị về địa chất, tài nguyên mà còn là một bảo tàng tự nhiên hiếm có, ít bị tác động bởi bàn tay con người. Với màu xanh nổi bật giữa biển, Cồn Cỏ có trên 60% diện tích là rừng tự nhiên nhiệt đới 3 tầng của đảo núi lửa, những cánh rừng trên thềm san hô quý hiếm còn nguyên trạng của Việt Nam.

Những cái tên gắn với lịch sử của đảo, như: Bến Tranh, bến Nghè, bến Hương Giang, đồi Hải Phòng, bến Hà Đông, bến Đá Đen, ngọn Hải đăng, đài quan sát Thái Văn A… đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình lên đảo. Đứng trên cột cờ của đảo có thể thấy những sự đổi thay, cơ quan trụ sở cùng nhiều nhà cửa đã hình thành trên đảo nhỏ. Từ bến thuyền với những chiếc thuyền du lịch được đầu tư kỹ lưỡng, những chiếc xe điện đến nhiều con đường rải nhựa để khám phá quanh đảo.

 Cùng với hệ sinh thái biển, Cồn Cỏ còn còn có những cánh rừng trên thềm san hô quý hiếm còn nguyên trạng của Việt Nam. Ảnh: Khánh Anh

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường chia sẻ: 20 năm qua, nguồn vốn đầu tư xây dựng được ưu tiên bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của huyện đảo. Trong đó, trọng tâm là dịch vụ - du lịch kết hợp đảm bảo quốc phòng - an ninh, các công trình, dự án bổ trợ, các thiết chế văn hóa, công trình dân sinh… Từ đó, góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng làm cơ sở để tiếp tục thu hút các nguồn vốn, dự án đầu tư đến với đảo Cồn Cỏ trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, các dự án, mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, du lịch... được xây dựng, triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn từng bước tạo dựng và phát triển thương hiệu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ. Có thể thấy, lượng khách ra đảo tham quan, du lịch hàng năm tăng, khởi đầu cho việc tìm được lối đi bền vững lâu dài cho huyện đảo.

Từ đảo "thép” Cồn Cỏ đang trở thành đảo "ngọc" bởi sự hoang sơ, thanh bình và yên tĩnh… cùng nhiều điều kiện khác để phát triển thành một tâm điểm du lịch hấp dẫn. Trong đó, Cồn Cỏ có lợi thế với nhiều loại hình du lịch sinh thái và văn hóa, như: Nghỉ dưỡng, ẩm thực, câu cá giải trí và bắt hải sản, tắm biến, lặn biển, du thuyền, du ngoạn xuyên rừng, thăm và xem các di sản núi lửa bazan, các di tích lịch sử…

Một ngày không xa, Cồn Cỏ sẽ trở thành một trong những “hòn ngọc biển Đông”, là 1 trong 3 điểm của tam giác du lịch hấp dẫn: Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ; du lịch sinh thái biển đảo gắn với nghỉ dưỡng, thám hiểm vẻ đẹp biển khơi.

“Cồn Cỏ đã và đang tính đến sự bền vững cho tương lai của hòn đảo du lịch hấp dẫn, phát triển về kinh tế, đẹp về văn hoá, vững mạnh về quốc phòng an ninh như quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân toàn huyện để xứng đáng với đảo được mệnh danh là: “Chiến hạm không bao giờ chìm trên biển Đông”, được Đảng và Nhà nước 2 lần tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”, Bí thư Huyện đảo Võ Viết Cường nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết