A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Vì sức khỏe cộng đồng: Chất độc có trong cóc thuộc nhóm độc nhất

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chất độc có trong nhựa, gan, trứng cóc thuộc loại độc dược nhóm I, tức là nhóm độc nhất và chất độc có trong một con cóc đủ gây tử vong 4 người trưởng thành.

Trong dân gian, người dân thường dùng thịt cóc chế biến dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi nấu cháo, làm chả cóc... để hỗ trợ dinh dưỡng cho người già, người vừa mới ốm dậy và trẻ em chậm lớn, còi xương. Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mặc dù thịt cóc có nhiều lợi ích về dinh dưỡng nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm các độc tố có trong một số bộ phận cơ thể cóc, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Độc tố tập trung chủ yếu ở gan, trứng, nhựa mủ hai bên mang tai, trên mắt và tuyến trên da con cóc, là các chất có chứa các alkaloid như bufagin, bufotoxin, các hợp chất sterol cholesterol, campesterol... Nếu ăn phải thịt cóc nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật, trứng bị nát dính vào thịt cóc trong quá trình chế biến) hoặc trực tiếp ăn gan, trứng cóc sẽ gây ngộ độc cấp tính. Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện từ 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn thịt cóc nhiễm độc, gây nôn mửa, tiêu chảy, ảo giác, nặng hơn có thể gây ngừng tim và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nếu chẳng may nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố trong cóc, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn trứng, gan cóc. An toàn nhất là nên loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên nếu phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết