A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nguy kịch vì chủ quan với vết thương nhỏ

Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận, điều trị gần 10 trường hợp mắc bệnh uốn ván nặng.

Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là chưa tiêm phòng và đều bị các vết thương hở nhưng tự xử lý tại nhà, dẫn đến nhiễm vi khuẩn uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, bệnh nhân mới nhập viện điều trị.

Uốn ván có tỷ lệ tử vong rất cao, dao động từ 25% đến 90%, đặc biệt ở trẻ sơ sinh (95%). Bệnh phân bố rộng khắp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, trong bất kỳ mùa nào trong năm. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh tăng đáng kể ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp.

Những năm gần đây, số trường hợp mắc uốn ván từ các vết thương nhỏ ngày càng nhiều. Có thể nhiều người do tâm lý chủ quan nên các vết thương nhỏ này không được sát trùng và xử trí đúng cách.

 Bệnh nhân uốn ván đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: ĐẶNG THANH

Điển hình như mới đây, một bệnh nhân tại Bắc Ninh đã phải đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị uốn ván. 8 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bị mảnh gỗ đâm vào ngón tay phải và tự xử lý bằng nước, băng keo cá nhân, dẫn đến vết thương mưng mủ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã cứng hàm, miệng há 1cm, toàn thân cơ co cứng, có khởi phát cơn co giật và chẹn ngực gây khó thở (dấu hiệu của tổn thương cơ hô hấp). Bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Cấp cứu đặt ống nội khí quản cấp cứu, sử dụng nhiều loại thuốc an thần giảm đau, giãn cơ để kiểm soát cơn co giật. Sau một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân dần ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, người mắc bệnh uốn ván thường có biểu hiện ban đầu là cứng hàm và khó há miệng, sau đó lan xuống các cơ khiến bệnh nhân không thể đi lại được. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến co giật cứng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp và nhanh chóng tử vong do ngực bị chẹn cứng, gãy xương, đứt cơ. Thời gian ủ bệnh uốn ván có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.

Do đó, khi có vết thương trên da, cần lưu ý rửa sạch và sát trùng, giữ vết thương sạch để tránh nhiễm trùng và nguy cơ hoại tử. Nên để hở vết thương và không bịt kín để tránh viêm nhiễm. Nếu giẫm phải vật nhọn như đinh, sắt, gai thì cần xử lý vết thương ngay lập tức, sau đó đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị phòng ngừa bệnh uốn ván.

Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, việc phòng ngừa uốn ván là vô cùng cần thiết. Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, hiện nay, tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván được coi là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Có nhiều loại vaccine phù hợp cho từng đối tượng, bao gồm cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi, đúng liều để bảo đảm hiệu quả tiêm phòng ở mức tối đa.

 DIỆP CHÂU


Tags: uốn ván
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết