Xanh hóa các khu công nghiệp
Xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển bền vững.
Để làm được điều này không chỉ có sự vào cuộc của các nhà đầu tư phát triển hạ tầng mà đòi hỏi sự tiếp sức từ cơ chế, chính sách cùng với sự hợp tác và cam kết của tất cả tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, vận hành trong KCN từ nhà máy sản xuất đến các công ty cung ứng dịch vụ khu công nghiệp.
50% doanh nghiệp chưa biết về khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững
Cả nước hiện có 418 KCN đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129.900ha. Các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu đến cân bằng rồi sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Song có thực tế, một số KCN hiện đang gặp phải những vấn đề bất cập như: Thiếu diện tích cây xanh, quá trình xử lý nước thải và chất thải rắn công nghiệp gây ô nhiễm môi trường...
Đơn cử, ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, hiện vẫn còn 29 KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nguyên nhân là do tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa giải phóng được mặt bằng phần diện tích quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc chưa có nguồn vốn để đầu tư. Hiện tại, nước thải của các cơ sở sản xuất hoạt động trong các KCN này do các cơ sở tự đầu tư hệ thống xử lý.
Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Ảnh: CÔNG THỊ |
Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN là một trong những giải pháp khắc phục ảnh hưởng của hoạt động công nghiệp đến môi trường, giảm lãng phí tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Đây cũng là yêu cầu bức thiết đặt ra đối với nhiều KCN để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, cũng như thực hiện chiến lược quốc gia và phát triển xanh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát của VCCI tại 118 KCN cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp trong các KCN cho biết, chưa từng nghe và biết đến khái niệm KCN phát triển bền vững. Chỉ 30% doanh nghiệp có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và chỉ có 20% là hiểu rõ KCN phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối giữa kinh tế với môi trường, xã hội và quản trị.
Kết quả trên cho thấy một số điểm nghẽn trong những khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN.
Những vướng mắc về pháp lý
Về dài hạn, chuyển đổi mô hình KCN thông thường sang mô hình KCN sinh thái giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao; trong đó, KCN và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên hỗ trợ về thông tin, khoa học-kỹ thuật, công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu và tham gia các chuỗi giá trị; ưu tiên tiếp cận những khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như các ưu đãi đầu tư.
Từ thực tế của doanh nghiệp trong việc đầu tư các KCN, bà Trần Thị Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ-chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, trước đây, các KCN truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội. Hiện tại, mô hình KCN bền vững được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, quá trình xanh hóa các KCN gặp nhiều khó khăn, từ tài chính cho đến năng lực chủ đầu tư, quy định pháp lý thiếu rõ ràng, cụ thể...
Đơn cử như Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28-5-2022 quy định về quản lý KCN và khu kinh tế có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái với một chỉ tiêu. Đó là phải có 20% doanh nghiệp trong khu thực hiện các sản xuất sạch hơn, nhưng quy định này lại không cụ thể thế nào là "sạch hơn" hay như thế nào là "sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn".
Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, còn nhiều chồng chéo giữa các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với KCN, khu kinh tế; điển hình như quy định về tái sử dụng nước và chất thải trong KCN. Do vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN là một trong những vấn đề quan trọng.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia Foote, thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, Tổng giám đốc Bay Global Strategies đề xuất, các doanh nghiệp trong KCN cần tiếp cận nước sạch và công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả; tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời mái nhà mà còn đến từ nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo công suất lớn. Đặc biệt, cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ những quy định được đặt ra trong KCN để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng KCN nhưng có doanh nghiệp thực hiện, có doanh nghiệp lại không.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Việt Nam đang chuyển đổi và xây dựng mới các KCN theo hướng sinh thái, bền vững. Song chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoặc xây dựng mới KCN sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hoặc những giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Do đó, để thúc đẩy quá trình này, trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; hướng dẫn từ các bộ, ngành, đặc biệt đối với những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện các mạng lưới cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và nước thải...
KHÁNH AN