A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Tiếp tục chương trình Phiên toàn thể lần thứ nhất, sáng 24-4, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì phiên họp; Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại điều hành nội dung phiên họp.

Phát biểu mở đầu nội dung họp, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là dự án luật có liên quan, gần gũi với từng cá nhân trong xã hội, tuy nhiên đây cũng là dự án luật có tác động lớn, mới và khó. Việc xây dựng dự án Luật này cũng xuất phát từ tình hình thực tiễn các hoạt động xâm phạm dữ liệu cá nhân; xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của dữ liệu cá nhân gắn với hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, liên quan đến sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại mong muốn, các đại biểu với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng đối với dự án Luật.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội thẩm tra chính thức dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Theo Tờ trình dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 68 Điều, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, với các nội dung, như: Thống nhất thuật ngữ và xây dựng một số khái niệm quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, như: Dữ liệu cá nhân; bảo vệ dữ liệu cá nhân; làm rõ khái niệm và nội hàm của dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, dữ liệu phi cá nhân, nhận dạng dữ liệu cá nhân; xác định chính xác, đầy đủ những hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân; vai trò của các bên trong hoạt động xử lý.

Tại Phiên họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện nay, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, trong dữ liệu cá nhân có dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Vì vậy cần nghiên cứu làm rõ, giải thích các khái niệm, từ ngữ để đối tượng chịu sự tác động và người dân hiểu, dễ thực hiện. Các đại biểu dự họp cũng cho rằng, cần nghiên cứu các quy định chặt chẽ để phạm vi điều chỉnh của luật xoay quanh vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân; tiếp tục làm rõ hơn các vấn đề như: Xóa, lưu trữ, mã hóa dữ liệu; quyền của chủ thể dữ liệu; xử lý vi phạm hành chính…

Phát biểu kết luận, thay mặt cơ quan thẩm tra, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Cơ quan soạn thảo trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng tiến độ. Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cũng đề nghị, Thường trực Ủy ban nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu và hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, đúng quy định. Thường trực Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới.

DIỆP CHÂU

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết