A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thương nhớ cái Tết thời quân ngũ

Từ hồi đi lại thuận tiện, dịp cuối năm, đơn vị cũ là một đồn biên phòng biên giới phía Bắc thường có chương trình mời cánh lính cựu chúng tôi về ăn Tết.

Trừ những người ở quá xa được gửi quà theo đường bưu điện, những người đủ sức khỏe đều hăng hái tham gia. Xe đơn vị đón tại Hà Nội, chạy chỉ mấy tiếng là tới nơi. Được trở về “ngôi nhà” xưa, gặp anh em, được sống lại bao kỷ niệm trong những ngày gian khổ mà thắm tình đồng chí nên ai cũng hồ hởi. Còn được nhận quà Tết “cây nhà lá vườn” là cân giò, là rau xanh...

Quang cảnh, môi trường đơn vị bây giờ khác hẳn thời cách đây trên dưới bốn chục năm. Hiện đại, chính quy mà vẫn ấm áp, gần gũi. Do đặc trưng nhiệm vụ nên Bộ đội Biên phòng thường đón Tết sớm. Mới ngoài rằm tháng Chạp nhưng không khí Tết đã rộn ràng. Khuôn viên doanh trại tưng bừng, lộng lẫy cờ hoa. Phòng khách trang nghiêm, sang trọng với cành đào tuyệt đẹp. Ngoài cờ Đảng, cờ Tổ quốc, tượng Bác Hồ, có cả bàn thờ ngày Tết ấm cúng. Giờ nghỉ, cánh lính trẻ và thanh niên địa phương say sưa, sôi động với trò chơi ném còn, chơi cờ, bóng đá, bóng chuyền... lại có cả thi gói bánh chưng. Buổi tối có cuộc giao lưu giữa các thế hệ thật ý nghĩa. Chỉ huy đồn báo cáo nhiều tin vui. Các ông, các bác kể chuyện thời trước. Mấy thanh niên nói lời tâm nguyện. Rồi tất cả hát hò. Những làn điệu dân ca xao xuyến. Những bài hát hào hùng một thời lửa đạn. Những tình khúc nồng nàn, mê say... Các cựu binh già như trẻ lại. Cả cơ quan chẳng khác gì ngày Tết đoàn viên của một gia đình lớn!

 Cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Cần Thơ cùng bà con vui "Tết quân dân" năm 2023. Ảnh: QUANG ĐỨC 

 

Về ăn Tết ở đơn vị cũ, hầu như ai cũng nôn nao nhớ lại những ngày Tết mấy mươi năm trước...

Ngày đó, chúng tôi trẻ lắm. Theo lệnh Tổng động viên (1979), nhiều cậu đang học cấp 3 cũng xung phong vào lính. Sau mấy tháng huấn luyện cơ bản và nghiệp vụ, tôi được điều về đồn-một vài ngôi nhà mái gianh nghèo, lại vừa hứng chịu những làn pháo nên trông thật tiêu điều. Thế mà đó là nơi làm việc của ban chỉ huy và là chốn nghỉ ngơi của các đồng chí luân phiên cắm chốt, cắm bản...

Giáp Tết, ai từng đứng gác đêm trên đỉnh một ngọn núi đá vùng biên giới Lạng Sơn? Trời ơi sẽ biết thế nào là cái rét dữ dội, rét cắt da, cắt thịt, rét làm chảy cả máu cam. Không có tuyết nhưng cảm giác không khí trước mắt cứ như đông vón lại. Còn gió nữa. Gió thổi suốt ngày, suốt đêm. Lại phải căng mắt ra quan sát bằng ống nhòm... Rét đi cùng với đói và khát. Ai từng cắm chốt mới hiểu rõ vì sao đói, vì sao khát. Vì núi đá, đi lại khó khăn, vận động từ chân núi lên chốt có khi mất cả mấy tiếng đồng hồ. Núi đá làm gì có nước... Còn hứng chịu pháo dập. Thế mà chúng tôi trụ được. Có người hai năm. Như tôi là một năm. Nhưng chúng tôi chỉ phải chịu khổ, còn đồng đội tôi, có người hòa thân xác vào núi đá. Đến bây giờ, có tuổi, trải nghiệm nhiều tôi mới thấm thía, dù gian khổ đến mấy nhưng có tuổi trẻ, có lý tưởng, có tình yêu cùng bổn phận và trách nhiệm cao với đất nước thì những người lính chúng ta đều vượt qua được.

Nhưng không phải lúc nào cũng bản lĩnh. Là con người, vào thời điểm nhạy cảm, thiêng liêng, nhất là những ngày giáp Tết, cá biệt cũng có người trong chúng tôi đào ngũ. Như anh bạn cùng quê tôi, nhà con trai một, được cưng chiều. Từng "được" hắn rủ rê bỏ về quê, đã có lúc tôi hoang mang, nản lòng... Hình như chỉ huy đọc được những ý nghĩ đó nên đã có những chấn chỉnh kịp thời. Nhưng Tết năm ấy, đúng đêm 23 tháng Chạp, nó biệt tích. Toàn đơn vị báo động... Không tìm thấy. Nhưng sáng ra, cả doanh trại vui như Tết khi được chứng kiến cảnh kẻ đào ngũ ủ rũ, thất thần ngồi kiểm điểm trước chỉ huy... Thì ra, trên đường trốn... hắn ta chiến thắng được chính mình nên quay lại!

Trên chốt, từ trên cao nhìn xuống thấy thảm hoa đào chạy dọc sườn núi đẹp vô cùng. Tôi thấy yêu đời, muốn làm thơ nhưng không sao tả được cái đẹp nao lòng ấy. Mãi sau này, khi đọc bài thơ “Ghi ở Hoàng Liên núi” của nhà thơ Hoàng Quý mới thấy làm thơ tả cảnh thật khó, phải có chi tiết đặc sắc làm chìa khóa để mở ra cả một không gian: “Cuối năm gặp giữa Hoàng Liên núi/ Anh lính biên phòng chưa nghỉ ngơi/ Vài ba giờ nữa là năm mới/ Rừng thắp đào lên khắp núi đồi”. Bấy giờ, tôi chỉ thấy xuân đến thì hoa đào nở rất đẹp. Cả triền núi dài mấy cây số bừng sắc hoa đào, nắng chiếu vào cảm giác như có ánh lửa lấp loáng, bập bùng. Đêm cũng vẫn đẹp. Cả không gian sáng rực một màu lửa. Nhưng chỉ có thi sĩ mới nói được: “Rừng thắp đào lên khắp núi đồi”. “Thắp đào” có nghĩa là rừng hoa đào tạo ra ánh sáng cho cả vùng. Đúng và hay quá! Bài thơ còn nói được cả nỗi lòng mình: “Anh lính biên phòng ôm súng gác/ Sương vỡ như ngọc, sương như mưa/ Giờ này chắc mẹ ngồi cơi lửa/ Mơ chiều Ba mươi con mẹ về”. So sánh “sương như mưa” ai cũng nói được nhưng “sương vỡ như ngọc” thì chỉ nhà thơ mới diễn tả được. Biên giới buổi sáng rét lắm, mong mặt trời lên cho đỡ giá. Độ 9, 10 giờ, nắng chiếu vào làm sương vỡ ra lóng lánh như ngọc. Đó cũng là thời điểm ở quê, ngày cuối năm, mẹ bắc nồi bánh chưng để chiều tối làm mâm cỗ cúng tổ tiên...

Giữa những ca gác thảnh thơi, chúng tôi đọc sách, báo. Tình cờ trong một quyển Tạp chí Văn nghệ Quân đội của năm 1983, tôi đọc được bài “Đêm trên sân ga” của Nguyễn Quang Thiều, có hai câu thật ám ảnh: “Biên giới giờ này đạn giặc xoáy vào đêm/ Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt”. Trời ạ, sao nhà thơ không ở đây mà lại viết đúng được thần thái của cảnh vật nơi này. Tôi đêm đêm hứng chịu “đạn giặc”, ngày ngày nhìn thấy “nàng Tô Thị” trên đỉnh núi mà không sao viết ra được. Phải quyết tâm làm nhà thơ. Nhưng càng quyết càng không được. Nhưng rồi trở thành... nhà văn, mà lại chuyên lý luận, phê bình!!!

Có lưng vốn ngoài 60 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi quân, tôi xin ghi lại mấy dòng cũng là cách tâm sự với cánh lính trẻ hôm nay: Những ngày Tết trong quân ngũ đáng nhớ lắm, thiêng liêng lắm. Hãy cố mà tận hưởng, để rồi sau này, biết đâu có bạn lại trở thành nhà thơ như tôi từng mơ ước!

Đại tá, nhà văn NGUYỄN THANH TÚ

 


Tags: quân ngũ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết