A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nâng cao nhạy cảm giới trong xây dựng các sản phẩm báo chí

Ngày 12-1, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao nhạy cảm giới trong xây dựng các sản phẩm báo chí”.

Tại buổi tập huấn, TS Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết: Bình đẳng giới là tình trạng nam, nữ và các giới không còn bị phân biệt đối xử, có vị trí, vai trò ngang nhau, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi, được hưởng lợi ngang nhau, đảm bảo các quyền như nhau trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

TS Lê Văn Sơn gợi ý, các sản phẩm báo chí có thể khai thác các chủ đề về bình đẳng giới như: Luật pháp chính sách về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; xâm hại tình dục trẻ em; quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tảo hôn, hôn nhân cận huyết; quyền lao động nữ tại nơi làm việc.

 Toàn cảnh buổi tập huấn.

Nói về vai trò của truyền thông bình đẳng giới, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, truyền thông có tác động đặc biệt trong việc truyền tải nội dung thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ quan báo chí, truyền thông, một số phóng viên, nhà báo còn thiếu kiến thức và kĩ năng khi sáng tạo tác phẩm báo chí, sản xuất các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới. Nhiều sản phẩm đã và đang củng cố định kiến giới và góp phần duy trì tình trạng bất bình đẳng giới.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh kiến nghị, đối với phóng viên, nhà báo, nhân viên truyền thông cần thực hiện tốt những quy định quốc tế và các văn bản pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trên truyền thông. Trong quá trình tác nghiệp, mỗi người cần tự nhận thức và loại bỏ thông điệp, nội dung, diễn ngôn… mang định kiến giới trong bài viết. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, không đưa tin giật gân, câu view với bất cứ mục đích gì.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, bổ sung và hoàn thiện khái niệm “giới” trong các văn bản qui phạm pháp luật, với nội hàm không chỉ là nam giới, phụ nữ mà có nhóm đối tượng LGBTQ+, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới thực chất tại Việt Nam. Cần có những tiêu chí cơ bản cho việc đăng tải các sản phẩm truyền thông đảm bảo bình đẳng giới, không có ngôn từ hay thông điệp mang định kiến giới. Bổ sung quy định và chế tài quản lý đối với các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới trên mạng xã hội. Đây là nền tảng truyền thông mới, có độ lan tỏa nhanh, mạnh, rộng nhưng hiện nay đang thiếu các chế tài cụ thể để kiểm duyệt nội dung có nhạy cảm giới, cũng như thiếu chế tài xử lý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết