A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Mái ấm của sự tri ân

Với dưỡng lão viên-những người đang được chăm sóc, phục vụ tại Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công-Công tác xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa), cán bộ, nhân viên, điều dưỡng của trung tâm thực sự là những người thân, giúp họ lạc quan, sống lâu, sống khỏe. Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, độ tuổi, sức khỏe, quê quán khác nhau, song họ luôn xem trung tâm là mái nhà chung của sự tri ân, ấm áp tiếng cười hạnh phúc.

Ông Dương Hồng Khương, 91 tuổi, quê ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), là người từng tham gia kháng chiến và đã gắn bó với Trung tâm hơn 14 năm nay. Tuổi cao, sức yếu, mỗi lần trái gió trở trời, ông thường bị đau lưng, nhức mỏi toàn thân, đi lại rất khó khăn. Ngoài việc kiểm tra, thăm khám sức khỏe định kỳ, bất kể ngày hay đêm, khi ông có yêu cầu, y sĩ Đồng Thị Huyền Thanh và y tá Hồ Xuân Bình đều kịp thời có mặt để chăm sóc, hỗ trợ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Khương cho biết: “Người già thường trái tính trái nết, hay nóng giận, quát tháo vô cớ; nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống cũng khác nhau... nên rất khó chiều. Thế nhưng, bằng sự ân cần, thấu hiểu, tri ân, cán bộ, nhân viên nơi đây thường xuyên gần gũi, động viên, chuyện trò, tâm sự, giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái, lạc quan, quên hết ốm đau, bệnh tật, muộn phiền. Có đợt tôi bị ốm nặng, nằm liệt giường suốt hai tuần, bữa nào cô Trần Thị Ngọc Thùy, Giám đốc Trung tâm cũng mang cơm xuống tận phòng, động viên tôi gắng ăn, cảm giác rất thân thương, gần gũi”.

Nhân viên y tế thăm khám sức khỏe cho các dưỡng lão viên. 

Giai đoạn cao điểm, Trung tâm cùng lúc tiếp nhận, chăm sóc gần 70 người hoạt động kháng chiến, thương binh, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ sống cô đơn. Tuổi cao, sức yếu, lại bị tim mạch, huyết áp, tiểu đường, tai biến, liệt nửa người... nên nhiều cụ được Trung tâm cắt cử cán bộ, nhân viên chăm sóc, phục vụ theo chế độ đặc biệt “một kèm một” suốt thời gian dài. Thế rồi, theo quy luật khắc nghiệt của tự nhiên, các cụ lần lượt về với tiên tổ, đến nay chỉ còn 4 cụ. Cùng ăn, cùng ở, cùng gắn bó với nhau suốt một thời gian dài nên các cụ thương quý nhau chẳng khác nào ruột thịt. Nỗi buồn của người này là nỗi buồn của người kia. Niềm vui, hạnh phúc của một người chính là niềm vui, hạnh phúc của cả Trung tâm. Mỗi khi ai đó được con cháu, họ hàng, anh em, đồng đội cũ đón về phụng dưỡng, chăm sóc, các cụ đều cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến, xuân về, các cụ lại được Ban giám đốc Trung tâm bố trí xe đưa đi viếng nghĩa trang, thắp hương tưởng nhớ các dưỡng lão viên đã khuất.

Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, diện mạo, cảnh quan của Trung tâm đã có nhiều đổi khác, ngày càng khang trang, hiện đại, tiện nghi hơn. Trong mỗi phòng ở của dưỡng lão viên đều được trang bị đầy đủ giường, tủ, bàn ghế, ti vi, quạt điện, công trình vệ sinh khép kín... Ngoài không gian sinh hoạt tập trung rộng rãi, thoáng mát, nơi đây còn có phòng khách, phòng họp, phòng vật lý trị liệu, y tế, thư viện, nhà ăn, nhà bếp, vườn rau, vườn hoa, vườn thuốc nam... với đầy đủ công năng, tiện ích, đáp ứng tốt đời sống mọi mặt của các cụ. Năm 2017, thừa ủy quyền của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã trao tặng Trung tâm một chiếc xe cứu thương đời mới. Đây là món quà thiết thực và ý nghĩa đối với các dưỡng lão viên.

Bà Trần Thị Ngọc Thùy, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam, quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên, điều dưỡng viên của Trung tâm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình chăm sóc, phục vụ, bảo đảm tốt đời sống, mọi mặt cho các cụ. Hằng tuần, hằng tháng, ai có nhu cầu đi khám bệnh, thăm thân, mua sắm và dạo mát đều được chúng tôi quan tâm, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, chu đáo. Ngoài chế độ ăn thêm theo tiêu chuẩn chung, trong những ngày Tết, Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để phục vụ các dưỡng lão viên. Tuy tuổi đã cao nhưng Tết nào cụ Đinh Thị Tín, bác Trần Thị Sương, cô Hoàng Thị Dung cũng tham gia gói bánh chưng, bánh tét, hát karaoke, đón Giao thừa cùng mọi người rất nhiệt tình, vui vẻ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 và cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các cụ”.

Trong ngôi nhà chung, mái ấm của sự tri ân, niềm vui, hạnh phúc của các dưỡng lão viên là động lực, nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao để các cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công-Công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Tags: tri ân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết