A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Yêu Việt Nam bằng con tim và lý trí!

Phần đông người nước ngoài yêu Việt Nam từ xúc cảm con tim khi được hòa mình vào cảnh sắc tươi đẹp, cuộc sống bình yên, người dân thân thiện. Với người đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ Amiad Horowitz, tình yêu Việt Nam​ còn sâu đậm hơn, đưa anh đến lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, dấn thân hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, ủng hộ hết mình con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

Ẩn số Việt Nam

Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai - năm 2022 đã vinh danh giải A cho bài viết “On the importance of the Socialist Republic of Viet Nam to the international communist movement and our responsibility of solidarity - The perspective of an American communist” (Về tầm quan trọng của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với phong trào cộng sản quốc tế và trách nhiệm đoàn kết của chúng ta - Quan điểm của một người cộng sản Mỹ) của Amiad Horowitz, Ủy viên Ban Quốc tế, Ủy viên Ban Hòa bình và Đoàn kết Đảng Cộng sản Mỹ.

Hình ảnh đồng chí cộng sản Mỹ cao to, lúng túng vì dường như lần đầu đứng trên sân khấu nhận biểu trưng, bằng chứng nhận, được mọi người động viên bằng những tràng vỗ tay không dứt. Với mong muốn tìm hiểu nội dung bài viết, chúng tôi liền tiếp cận đồng chí Amiad Horowitz bên lề lễ trao giải bởi lo ngại anh sẽ sớm trở về nước. Amiad nở nụ cười thân thiện, đáp lại bằng tiếng Việt… rất sõi khiến chúng tôi bất ngờ: “Em ở Hà Nội mà! Anh cứ nhắn tin vào zalo, chúng ta hẹn ở quán cà phê nói chuyện”. Giữ lời hẹn, ít hôm sau, trong quán cà phê khu phố cổ, Amiad Horowitz kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời của mình, về cơ duyên gắn bó với Việt Nam.

Đồng chí Amiad Horowitz (thứ ba từ phải sang) nhận giải A, Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai - năm 2022. Ảnh: Tuấn Huy 

Theo lời kể của Amiad Horowitz,  anh sinh năm 1984, là người Do Thái có hai quốc tịch Mỹ và Israel. Anh lớn lên ở Mỹ, đến năm 18 tuổi quay về quê hương Israel học đại học và thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Trong quá trình thực hiện luận văn chuyên ngành lịch sử phương Tây tại Đại học Bar Ilan (thành phố Tel Aviv), anh bắt đầu đọc tài liệu về cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam. Amiad nhận thấy nguồn tài liệu bằng tiếng Anh thường chỉ nêu lên suy nghĩ của người Mỹ; cố gắng lý giải, rút ra bài học từ sai lầm của chính quyền và quân đội Mỹ; “bôi đen” những người cộng sản Việt Nam. “Tôi băn khoăn dường như lịch sử chiến tranh Việt Nam chưa được “vẽ” đầy đủ, khách quan. Trong tôi xuất hiện trăn trở học thuật: “Việt Nam đã làm thế nào để chiến thắng quân đội hùng mạnh nhất thế giới?”, Amiad nhớ lại. 

Một câu hỏi khác khiến Amiad muốn đi tìm lời giải. Lúc còn ở Mỹ, anh thường được nghe những điều không tốt về chủ nghĩa xã hội, về những người cộng sản; thậm chí người thân của anh cũng có thái độ kỳ thị khi bàn đến chủ đề “cộng sản”. Amiad khẳng định: “Đó là hệ quả của chủ nghĩa chống cộng, gieo rắc nỗi sợ hằn sâu trong tâm trí của người dân ở các nước tư bản”. Càng suy nghĩ, Amiad càng thấy băn khoăn: Việt Nam là một “đất nước cộng sản” do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nếu cộng sản không tốt đẹp như anh được nghe, được học; làm cách nào một “Việt Nam cộng sản” lại có thể giành chiến thắng trong “cuộc chiến mười ngàn ngày”? Và vẫn còn tồn tại khi mà hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không còn?

Amiad vùi mình vào các trang tài liệu nhưng chỉ nhận về sự thất vọng vì các học giả phương Tây không hiểu về thể chế chính trị, lịch sử và văn hóa Việt Nam để có kiến giải thuyết phục. Vậy nên anh bắt đầu tìm hiểu về Việt Nam một cách hệ thống, bài bản. Anh còn liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở Israel để tìm kiếm sự giúp đỡ bởi theo anh chẳng có gì tốt hơn khi nghe người Việt Nam tự nói về đất nước, dân tộc mình. Anh còn chịu khó vừa học vừa làm, dành dụm kinh phí sang Việt Nam năm 2011 để tham quan trong hơn một tháng.

Cuộc sống, sự nghiệp của chàng trai trẻ Amiad đang rộng mở thì những điều không may ập đến. Năm 2012, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của bố mẹ Amiad, bản thân anh cũng bị thương nặng phải điều trị hàng tháng trời. Việc học tập chương trình thạc sĩ bị gián đoạn nên Amiad quyết định thôi học để đến Việt Nam sinh sống vào năm 2013. Nhìn lại quyết định “liều lĩnh” cách đây gần mười năm, Amiad cho rằng đó là lựa chọn sáng suốt nhất của cuộc đời anh: “Bằng cấp với tôi không quá quan trọng. Tôi muốn có lời giải về “ẩn số Việt Nam”, cũng là để khai mở, thấu rõ về con người chính trị, về lý tưởng sống của đời mình. Trong tôi dường như có động lực vô hình thôi thúc phải đến Việt Nam, đắm mình vào thực tế sống động chứ không phải là ngồi đọc tài liệu và hài lòng với những kết luận hàn lâm thiếu thuyết phục”. 

Đất nước của tình thương và lẽ phải

Amiad không kể nhiều về giai đoạn đầu anh đến Hà Nội. Song chúng tôi hình dung, hẳn không dễ dàng khi một mình sống giữa một đất nước xa lạ, khác biệt mọi mặt.

Để hòa nhập vào đời sống và tiếp tục những nghiên cứu về Việt Nam, Amiad đã dành một năm trời học tiếng Việt. Anh làm nhiều nghề như nhiếp ảnh, giáo viên tiếng Anh, tư vấn tâm lý để trang trải sinh hoạt. Dần dần, anh hòa nhập với nhịp sống của thủ đô. Amiad lý giải: “Dường như con người tôi thích hợp với giao tiếp cộng đồng, sự gắn kết tình cảm, yêu thương giữa người với người. Đó là những đặc trưng của văn hóa cộng đồng duy tình của Việt Nam, rất khác môi trường tôn vinh cá nhân, “lạnh lùng” kiểu phương Tây”. 

Điều khiến Amiad cảm thấy bất ngờ là anh nhận được sự yêu mến của người Việt Nam. Anh chia sẻ: “Trong ánh mắt của những người Việt Nam không hề có sự nghi ngờ, dè chừng nào, kể cả khi biết tôi có quốc tịch Mỹ. Nhiều người thường chủ động làm quen, họ dường như hiểu mong muốn sống lâu dài ở Việt Nam của tôi nên rất hay trò chuyện giúp tôi cải thiện vốn tiếng Việt”.

Amiad nhận thấy người Việt Nam rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Niềm tin này không chỉ từ “hào quang” trong quá khứ đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất đất nước; mà còn từ thành tựu toàn diện trong công cuộc xây dựng đất nước; quyền con người được đảm bảo. Amiad ấn tượng về Việt Nam “thay da đổi thịt” từ khi tiến hành công cuộc đổi mới. Anh nhận ra rằng sự ưu việt của mô hình thể chế chính trị giúp ổn định xã hội, dân chủ được mở rộng gắn với kỷ cương xã hội, luật pháp nghiêm minh. Amiad tâm sự: “Tôi nhận thấy người dân Việt Nam rất vui vẻ, hạnh phúc, tự do với cuộc sống hiện tại. Mọi người đều cố gắng chăm chỉ lao động, xây dựng gia đình ấm no, phát triển đất nước”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Amiad Horowitz, Ủy viên Ban Quốc tế, Ủy viên Ban Hòa bình và Đoàn kết Đảng Cộng sản Mỹ. Video: Trung Thành 

“Phép thử” về sự ưu việt của chế độ chính trị Việt Nam theo Amiad chính là cách Việt Nam đối phó đại dịch Covid-19 vừa qua. Amiad cho rằng: “Việc xử lý đại dịch ở nhiều nước tư bản là một thảm họa đối với tầng lớp lao động. Chính phủ ưu tiên lợi nhuận của giới tư bản, bỏ qua những nguy hiểm và nhu cầu cơ bản của dân thường. Rất nhiều người chết, bị bần cùng hóa phải vật lộn để kiếm sống. Ở Việt Nam, tình hình hoàn toàn khác. Mặc dù không giàu có, Chính phủ Việt Nam ưu tiên đặt sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết. Kết quả của cách tiếp cận nhân đạo là mạng sống của hàng triệu người đã được cứu; Việt Nam nhanh chóng phục hồi”. Điều ấn tượng khác với Amiad là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp gắn kết mọi người, cùng hướng tới các mục tiêu chung, để đất nước sớm thoát khỏi đại dịch. Amiad so sánh: “Từ thực tế Việt Nam chống lại đại dịch Covid-19, tôi đã phần nào hiểu vì sao người Việt Nam đã giành chiến thắng trong các cuộc kháng chiến trước đây. Người Việt Nam có tình thương và lẽ phải, chắc chắn sẽ vượt qua mọi kẻ thù, mọi trở ngại”.

Amiad cũng đã có câu trả lời cho băn khoăn của mình. Anh nhận ra anh đã lớn lên cùng với những lời nói dối: Nào là cuộc sống ở Việt Nam rất đói nghèo, lạc hậu, vật tư khan hiếm; nào là người dân bị đàn áp, kìm kẹp thiếu dân chủ, không có những quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tôn giáo tín ngưỡng bị hạn chế… Bằng giọng điệu sôi nổi, Amiad nhấn mạnh với chúng tôi: “Ở các quốc gia tư bản không có dân chủ, tự do tuyệt đối. Các đảng chính trị thay nhau cầm quyền nhưng về bản chất là phục vụ cho các tập đoàn. Những chương trình phúc lợi xã hội, hướng về số đông thường bị gây khó khăn, cản trở tại các cuộc bỏ phiếu nghị viện”. 

Chúng tôi hỏi Amiad: “Anh nghĩ như thế nào khi một số người Việt Nam ở trong và ngoài nước thường công kích chế độ chính trị Việt Nam?”. Amiad quả quyết với chúng tôi: “Những tiếng nói đó chỉ là thiểu số, rất lạc lõng. Tôi thấy những ý kiến mà họ đưa ra chủ yếu dựa trên quan điểm cá nhân hẹp hòi, thiếu thiện chí và đó là những suy nghĩ không phổ biến ở Việt Nam. Tôi thấy họ luôn luôn chỉ trích chế độ nhưng lại không thể đưa giải pháp gì hay đóng góp gì giúp cho chế độ tốt hơn”.

Ủng hộ Việt Nam hết mình

Sau những năm tháng sống ở Việt Nam, nhận ra giá trị cao đẹp, tiến bộ của chủ nghĩa xã hội, Amiad mong muốn được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Song theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ kết nạp công dân Việt Nam làm đảng viên. Bà của một người bạn của Amiad, vốn là một bác sĩ quân y ở Việt Nam, khi nghe Amiad tâm sự đã đưa ra lời khuyên: Nếu đã giác ngộ lý tưởng cộng sản thì dù kết nạp ở đâu không quan trọng; cốt yếu là giữ vững niềm tin vào lý tưởng, tích cực hoạt động, cống hiến cho phong trào quốc tế vô sản. 

Đồng chí Amiad Horowitz tham gia tọa đàm khoa học “Trao đổi về hoạt động của Đảng Cộng sản Hoa Kỳ và tầm quan trọng của bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” do Học viện Chính trị khu vực II tổ chức tháng 10-2022. Ảnh: Học viện Chính trị khu vực II 

Amiad đã gia nhập Đảng Cộng sản Mỹ năm 2020. Từ đó, anh thường xuyên viết bài tham luận, bài báo, tham gia vào các hội thảo, tọa đàm, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông để làm rõ sự thật tốt đẹp về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tuyên truyền về kinh nghiệm lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam. Amiad cho biết: “Tôi sử dụng mọi phương pháp, mọi phương tiện tạo ra nhiều cơ hội để người dân trên thế giới được tiếp cận sự thật, để những người cộng sản thế giới nhìn vào Việt Nam học tập và làm theo. Ngoài ra khi gặp bất kỳ bài viết nào trên các phương tiện truyền thông nước ngoài nói không đúng về Việt Nam, tôi sẽ viết bài phản bác”.

Bài viết đoạt giải A Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa qua là thành quả trong công việc Amiad theo đuổi. Khi được PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HVCTQG) động viên tham dự cuộc thi, anh nhận thấy đây là cơ hội tốt để nói lên tiếng nói bảo vệ chế độ, nhà nước Việt Nam. Trong bài viết, Amiad nhận định: Việt Nam kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã chính là nguồn cảm hứng lớn lao cho phong trào cộng sản quốc tế. Việt Nam có vai trò kết nối và là một phần rất quan trọng của hệ thống chủ nghĩa xã hội trên toàn cầu; vì vậy những người cộng sản trên toàn thế giới phải bảo vệ Việt Nam trước sự tấn công của các thế lực chống cộng. Anh tâm sự một lý do khác tham gia cuộc thi đó là: “Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Tôi là một người nước ngoài và sống lâu năm ở đây, tôi cần góp tiếng nói của một “nhân chứng” mang đến những thông tin tích cực, chính xác về Việt Nam với thế giới”.

Hiện nay, Amiad đang là cộng tác viên chuyên gia hiệu đính tiếng Anh cho Tạp chí Lý luận Chính trị (HVCTQG), tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, xuất bản phục vụ đối ngoại. Anh cũng đang là nghiên cứu sinh ngành triết học Mác-Lênin (Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HVCTQG). Lựa chọn này hứa hẹn giúp Amiad trang bị nền tảng lý luận vững chắc, hiểu biết sâu sắc, từ đó có hành động đúng đắn, thiết thực ủng hộ đất nước Việt Nam mà anh hằng yêu dấu.

TRUNG THÀNH - VÂN HÀ

 


Tags: Việt Nam
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết