A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tăng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan công an đem lại “lợi ích về mọi mặt”

“Kéo dài thời hạn phục vụ sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng công an là một trong những lợi thế, có nhiều điểm tích cực, đem lại lợi ích về mọi mặt”, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Bộ Công an, thông tin về lộ trình tăng tuổi phục vụ với sĩ quan công an. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp 5.

8 luật này gồm: Luật Giá; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tăng tuổi nghỉ hưu để tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao

Giới thiệu những điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, luật quy định tăng tuổi phục vụ thêm 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi.

Đồng thời, bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất với sĩ quan công an trong trường hợp đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá, cấp tướng, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá, đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. 

Trao đổi thêm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Bộ Công an, thông tin về lộ trình tăng tuổi phục vụ với sĩ quan công an.

Theo ông Nguyên, hạn tuổi phục vụ áp dụng cho sĩ quan có tuổi phục vụ trên 60 tuổi thì áp dụng theo lộ trình được quy định trong Bộ Luật Lao động. Đó là, mỗi năm thì tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với là nữ. 

Với lộ trình này, hạn tuổi phục vụ của nam sĩ quan là không quá 62 tuổi với năm 2028 và nữ là 60 tuổi vào năm 2034; áp dụng cùng với thời điểm Bộ Lao động có hiệu lực là 1/1/2021. 

Với nam sĩ quan có hạn tuổi phục vụ dưới 60 tuổi và nữ sĩ quan dưới 55 tuổi, theo ông Nguyên, sẽ tăng ngay 2 tuổi mà không theo lộ trình của Bộ Luật Lao động. Điều này để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các độ tuổi, hạn tuổi phục vụ trong lực lượng công an.

“Việc tăng tuổi phục vụ này không áp dụng với các trường hợp đã nghỉ theo chế độ trước ngày luật có hiệu lực thi hành”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Vậy tại sao lại tăng tuổi phục vụ của lực lượng công an? Ông Nguyên cho hay, cũng là lực lượng vũ trang nhưng đặc thù công việc của lực lượng công an khác lực lượng quân đội.

Ông Nguyên cũng cho biết, qua khảo sát thực tế trong lực lượng và xu hướng chung của thế giới là kéo dài độ tuổi lao động vì sức khỏe ngày càng được chăm sóc tốt hơn; tuổi thọ kéo dài hơn. 

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất Chính phủ tăng hạn tuổi phục vụ để tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, cũng như giảm chi phí đào tạo, bồi dưỡng.

“Đặc thù của công an đòi hỏi phải đào tạo bài bản, lâu năm, trải qua kinh nghiệm công tác. Kéo dài thời hạn phục vụ sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng công an là một trong những lợi thế, có nhiều điểm tích cực, đem lại lợi ích về mọi mặt”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên giải thích.

Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí thăng hàm cấp tướng trước thời hạn

Điểm mới đáng chú ý nửa, luật đã bổ sung quy định cụ thể 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng (1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng).

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu những điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Đ.X

Cụ thể, sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có hàm cao nhất là thượng tướng.

5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng gồm Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân; một Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; hai vị trí phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Trung đoàn trưởng ở các đơn vị trực thuộc bộ, cCông an TP Hà Nội, Công an TP HCM, trưởng phòng tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, trưởng công an TP thuộc Công an TP Hà Nội và TP HCM có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá.

Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.

“Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và vượt bậc đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác”, theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân hiệu lực thi hành là từ ngày 15/8 năm nay.

Cũng trong ngày 15/8, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi thành.

Một trong những điểm mới của luật này, theo Thứ trưởng Bộ Công an, là đã bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh và bổ sung quy định “thông tin khác do Chính phủ quy định” để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ.

Cạnh đó, đã bãi bỏ quy định nộp bản chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất.

Luật cũng sửa đổi để bãi bỏ quy định nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.

Với người nước ngoài, luật mới đã sửa đổi các điều, khoản để nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày với với các loại thị thực có thời hạn dưới 01 năm để đảm bảo thống nhất.

Thời hạn tạm trú của công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực cũng được nâng lên từ 15 ngày lên 45 ngày.

Thứ trưởng nhấn mạnh, luật đã bổ sung quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài hoặc cho người nước ngoài tạm trú khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thông báo ngay cho cơ quan công an hoặc đồn, trạm biên phòng nơi gần nhất. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết