A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phát huy giá trị chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

51 năm về trước, quân và dân Thủ đô đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Chiến thắng vang dội, làm nức lòng đồng bào cả nước, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam… đến nay Hà Nội vẫn mang một giá trị riêng trong quá trình xây dựng và phát triển.

Tầm nhìn và chiến lược

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

Để cứu vãn tình thế, ngày 6/4/1972, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá các tỉnh, TP: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng... nhưng đều bị đánh bại.

Ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số TP, thị xã trên miền Bắc. Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc (trong đó có khoảng 500 lần chiếc B.52), trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài Phát thanh Mễ Trì...

Phát huy giá trị của chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không

Cuộc tập kích đường không của Mỹ đã bị thiệt hại tới 81 máy bay, riêng Hà Nội bắn rơi 25 máy bay B52. Ảnh tư liệu

Trong 12 ngày đêm dưới bầu trời đỏ lửa, (từ ngày 18/12 – 29/12/1972), quân và dân Thủ đô cùng các địa phương khác của miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, đập tan dã tâm của địch. Cuộc tập kích đường không của Mỹ đã bị thiệt hại tới 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52. Riêng Hà Nội bắn rơi 25 máy bay B52.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị lâu dài; đặc biệt đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng thời, để lại cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội những bài học kinh nghiệm quý, nhất là về công tác lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong thời chiến trước vô vàn khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh. Đó là, Đảng bộ Hà Nội luôn chú trọng phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò làm chủ của các tầng lớp Nhân dân; luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP trong cả nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân Thủ đô.

Các cấp ủy Đảng từ TP đến cơ sở thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân, chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện thanh niên tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức cảnh giác, ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vững chắc Thủ đô; tạo sự đồng thuận cao trong Đảng bộ...

Phát huy giá trị bài học lịch sử

Phát huy tinh thần và những bài học lịch sử quý giá từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 51 năm qua, Hà Nội không ngừng nỗ lực trong chiến đấu và phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

TP luôn duy trì tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Phát huy giá trị của chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không

Một góc Hà Nội hôm nay

Năm 2023, TP cơ bản hoàn thành các mục tiêu tổng quát về kinh tế -xã hội với 18/23 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Ước cả năm 2023, GRDP của TP tăng 6,27%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022 (trong đó, thu nội địa năm 2023 ước đạt 373,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 93,18%). Chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên. Vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%. Lượng khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế), vượt mục tiêu đề ra (22 triệu lượt khách)…

TP đã có bước đi đột phá về phát triển hạ tầng khi khởi công Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô với gần 90% diện tích đã được giải phóng mặt bằng; 14 mũi thi công đang được triển khai. Hà Nội cũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, cấp thiết đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân như thông qua Đề án quản lý tài sản công; xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai; tăng cường phân cấp, ủy quyền; đề án cải tạo các khu chung cư cũ...

Bên cạnh việc duy trì phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, TP còn làm tốt công tác an sinh xã hội và bảo trợ xã hội trên tinh thần để không ai bị bỏ lại phía sau; phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo.

Mỗi chiến thắng của lịch sử đều để lại những giá trị và bài học quý. 51 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; để càng tin tưởng hơn vào những quyết sách của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô trong quá trình xây dựng TP giàu mạnh, văn minh, hiện đại, xứng đáng là “trái tim của cả nước”...


Tác giả: Tú Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết