A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nữ giáo sư gốc Việt được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, nữ nhà khoa học gốc Việt vừa được bầu vào Viện hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ.

Đây là công nhận danh dự cao nhất trên thế giới dành cho chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật. GS Quyên được biết đến rộng rãi ở Việt Nam với vai trò đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture.

Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ vừa thông báo kết nạp thêm 124 thành viên (bao gồm 106 nhà khoa học người Mỹ và 18 nhà khoa học quốc tế), nâng tổng số viện sĩ hiện tại của cơ quan này lên 2.420 người Mỹ và 319 người nước ngoài.

Kết quả bầu chọn dựa trên những đóng góp xuất sắc cũng như các thành tựu liên tục nổi bật của các tân viện sĩ trong nghiên cứu và giảng dạy ở lĩnh vực kỹ thuật.

Nữ giáo sư gốc Việt được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ - Ảnh 1.

GS Nguyễn Thục Quyên.

Đặc biệt, Viện đánh giá cao vai trò tiên phong của các tân viện sĩ trong việc phát triển những lĩnh vực công nghệ mới, tạo ra sự phát triển vượt bậc ở những ngành kỹ thuật truyền thống hoặc mang đến những cách tiếp cận đột phá trong việc giảng dạy ngành kỹ thuật.

Việc trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ không chỉ là sự ghi nhận về chuyên môn và năng lực lãnh đạo vượt trội của các nhà khoa học. Đây còn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, kết nối và lãnh đạo các dự án hợp tác nghiên cứu trọng điểm cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, các viện sĩ sẽ có thể hỗ trợ thế hệ nhà khoa học trẻ tiếp cận với kỹ thuật và hướng đến những ứng dụng thiết thực trong đời sống.

Nữ giáo sư gốc Việt được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ - Ảnh 2.

GS Nguyễn Thục Quyên và đồng nghiệp trao giải thưởng VinFuture lần thứ nhất.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ tại Đại học California, Santa Barbara, đã được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực này.

Chia sẻ sau khi nhận được tin vui này, GS Nguyễn Thục Quyên kể, đây là một vinh dự lớn lao với bà, là cơ hội để bà có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội bên cạnh công việc nghiên cứu của mình. Bà cũng chia sẻ bản thân ấp ủ nhiều mong ước với khoa học công nghệ Việt Nam và luôn sẵn lòng giúp đỡ, góp ý cho các nhà khoa học trong nước.

GS Nguyễn Thục Quyên là Giáo sư Khoa Hóa & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) và là Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture. Bà chính thức giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) từ hè năm 2004.

Bà từng cộng tác nghiên cứu tại Khoa Hóa học và Trung tâm Nano tại Đại học Columbia, cùng Giáo sư Louis Brus and Colin Nuckolls nghiên cứu về quá trình tự lắp ráp phân tử, đặc tính kích thước nano và các thiết bị liên quan.

 

Bà cũng từng dành thời gian tại Trung tâm Nghiên cứu IBM tại T. J. Watson (Yorktown Heights, New York) cộng tác với GS. Richard Martel và Phaedon Avouris về điện tử phân tử.

Các nghiên cứu của bà xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị .

Bà nằm trong Top 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được Trích dẫn Nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.

Trong sự nghiệp khoa học, GS. Nguyễn Thục Quyên đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Nhà Nghiên Cứu Trẻ của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (2005), Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia CAREER (2006), Giải thưởng Harold Plous (2007). Năm 2008, GS. Quyên nhận Giải thưởng Học giả – Giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải Nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia 2010, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2016. Đặc biệt, GS. Quyên được bình chọn là Trí tuệ Khoa học có Ảnh hưởng nhất Thế giới năm 2015, 2016, 2017 và 2018.

Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE) được thành lập vào năm 1964, với sứ mệnh thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước, thông qua việc thúc đẩy các nhóm ngành kỹ thuật, đưa ra tư vấn chuyên môn cho chính phủ trong những vấn đề kỹ thuật và công nghệ. Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE) cùng với Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) và Viện Hàn lâm Y học Quốc gia (NAM) thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết