A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

NATO tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Sự xuất hiện năm thứ hai liên tiếp của các nhà lãnh đạo Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương đang có quá nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết: Hỗ trợ quân sự cho Ukraine và thảo luận về tư cách thành viên của nước này trong tương lai; dàn xếp những khúc mắc của Thổ Nhĩ Kỳ để rộng đường cho Thụy Điển gia nhập khối; cuộc cải tổ lớn đầu tiên đối với các kế hoạch quân sự của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đốc thúc các thành viên tăng chi tiêu quốc phòng đạt 2% GDP như đã thỏa thuận... Trong bối cảnh đó, việc nguyên thủ Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO hẳn không phải vô cớ.

Theo The Conversation, trước hết, có thể lý giải việc NATO sốt sắng mời lãnh đạo 4 quốc gia trên tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối vì các nước này là những thành viên nổi bật nhất trong liên minh quốc tế bày tỏ rõ ràng quan điểm ủng hộ Ukraine và đồng ý trừng phạt Nga. Do đó, sự hiện diện của họ tại một hội nghị an ninh-nơi vấn đề Ukraine tiếp tục là trọng tâm thảo luận-là điều có chủ ý. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện đang có vai trò nổi bật trong Khái niệm chiến lược 2022 của NATO, một tài liệu quan trọng phác thảo các giá trị, mục đích, vai trò của liên minh quân sự này. Được công bố lần đầu tiên vào năm ngoái, tài liệu đề cập đến việc NATO coi tham vọng và các chính sách của Trung Quốc như một thách thức lớn đối với an ninh, lợi ích và giá trị của tổ chức này. Tài liệu cũng đề cập cụ thể đến quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, điều mà NATO coi là “mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc đã được thiết lập”.

Lãnh đạo các nước thành viên NATO và khách mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva), ngày 11-7. Ảnh: Reuters 

Trên cơ sở đó, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được coi là khu vực có vai trò quan trọng với NATO, bởi những diễn biến trong khu vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Có lẽ đó cũng là lý do thôi thúc NATO tăng cường hơn nữa các quan hệ đối tác hiện có trong khu vực cũng như phát triển, mở rộng các mối quan hệ mới. Đáp lại, một mối quan hệ nồng ấm với liên minh quân sự lớn nhất toàn cầu cũng là mong mỏi của cả 4 quốc gia quan trọng trong khu vực.

Nếu Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 6-2022 là cơ hội để 4 quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thể hiện sự ủng hộ của họ đối với vấn đề Ukraine và cam kết mạnh mẽ hơn đối với sự hợp tác trong tương lai với NATO thì hội nghị thượng đỉnh lần này ở Vilnius (Litva) là để đánh giá tiến trình đạt được, Channel NewsAsia bình luận. Đây cũng là lý do tại sao trước thềm hội nghị thượng đỉnh, NATO đã nỗ lực để chính thức hóa quan hệ đối tác với cả 4 quốc gia. Tokyo và Canberra đã kết thúc các cuộc đàm phán với NATO về một thỏa thuận mới, còn Wellington và Seoul cũng tích cực thúc đẩy hoàn tất các thỏa thuận riêng rẽ với liên minh quân sự này.

Quan hệ đối tác giữa NATO và 4 quốc gia trên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: An ninh hàng hải, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, không gian vũ trụ, các công nghệ mới nổi và đột phá (bao gồm trí tuệ nhân tạo). Trong lĩnh vực quốc phòng, NATO và 4 đối tác sẽ hướng tới mục tiêu cải thiện “khả năng tương tác” giữa quân đội của các bên, bao gồm khả năng phối hợp hành động giữa các lực lượng quân sự và các hệ thống phòng thủ khác nhau. Điều đó có thể được hiểu là hai bên sẽ tăng cường thường xuyên hơn nữa các cuộc tập trận chung trong thời gian tới.

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa NATO và 4 đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương còn có thể được diễn giải ở một góc độ khác là quan hệ đối tác này tạo thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới quan hệ ngoại giao và an ninh đang mở rộng giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bổ sung cho Hiệp ước đối tác an ninh 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) và cơ chế hợp tác của nhóm Bộ tứ (QUAD). Không khó để nhận ra, mở rộng phạm vi tiếp cận với phần còn lại của thế giới là nỗ lực và mục tiêu của NATO trong vài thập kỷ qua.


Tags: NATO
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết