A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hỗ trợ lực lượng phi chính thức trong hoạt động thu gom rác thải

Điều 54, 55 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu tại Việt Nam. Việc thực hiện trách nhiệm này được kỳ vọng mang lại những thay đổi đáng kể cho hệ thống quản lý chất thải, đặc biệt tác động đến việc thu gom, tái chế rác thải của lực lượng phi chính thức (những người thực hiện thu gom rác thải tự do).
 


Theo The Circulate Initiative (Tổ chức phi lợi nhuận vận động giải quyết vấn đề ô nhiễm rác nhựa đại dương ở Nam  Á và Đông Nam Á), trên toàn cầu khoảng 60% lượng rác thải nhựa được thu gom và tái chế nhờ vào 20 triệu lao động phi chính thức. Tại Việt Nam, khu vực phi chính thức, trong đó 90% là phụ nữ giúp thu gom hơn 30% các loại rác có thể tái chế, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức. Lực lượng thu gom này cũng có thể góp phần giảm thiểu ngân sách công chi cho việc thu gom và xử lý chất thải.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, khu vực phi chính thức phải được coi là một phần của bất kỳ giải pháp nào và có thể giúp các nhà sản xuất đạt mục tiêu tái chế dưới cơ chế mở rộng trách nhiệm. Khối này còn bao gồm một số lực lượng khác trong chuỗi giá trị như địa điểm thu mua, cửa hàng phế liệu, người phân loại rác... Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không chỉ là thực hiện tỷ lệ tái chế mà còn là trách nhiệm đối với con người xuyên suốt vòng đời của sản phẩm, đặc biệt là những lao động phi chính thức.

Do vậy bà Ramla Khalidi nhấn mạnh, để hình thành nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các kế hoạch quốc gia, việc đảm bảo cho những lao động phi chính thức có nhiều cơ hội cải thiện sinh kế và hỗ trợ họ chuyển dịch sang hệ thống quản lý chất thải chính thức là cần thiết.

Về giải pháp hỗ trợ lực lượng phi chính thức trong hoạt động giảm thiểu chất thải, theo Trưởng đại diện quốc gia của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam - ông Jake Brunner, lực lượng phi chính thức đang làm một công việc rất quan trọng là thu gom, vận chuyển và tiền xử lý các loại rác thải. Vì vậy, họ cũng đóng vai trò chính yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Thách thức ở đây là cải thiện điều kiện làm việc và gắn kết họ với hệ thống quản lý chất thải chính thức. Điều này đòi hỏi cần phải thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn, mở rộng quy mô đầu tư công vào thu gom, xử lý chất thải và thực thi các quy định về chống rác thải.

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Thái Huyền - chủ biên cuốn sách "Đồng nát ở Hà Nội" gợi mở, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có thể thực hiện trách nhiệm mở rộng với một trong hai hình thức: tổ chức tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Số tiền đó sẽ được trích ra trả cho những người tham gia vào các công đoạn tái chế, trong đó có thể có những người thu gom rác thải. Tuy nhiên, nhà sản xuất sẽ không có điều kiện làm việc trực tiếp với từng cá nhân mà phải thông qua đại diện tổ chức.

Trong công tác thu mua phế liệu từ những người thu gom tự do, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội luôn thu mua thường xuyên, ổn định, mua tất cả những gì có thể tái chế được. Vì vậy, nhiều người làm nghề thu gom rác tự do xác định bỏ "mối" lâu dài cho Công ty. Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty khẳng định, Công ty sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, chính quyền, các tổ chức đưa hoạt động của lực lượng thu gom tự do đi vào quy củ. Người thu gom rác tự do được quản lý và làm việc theo luật pháp, được trang bị kiến thức, kỹ năng, được bảo trợ thân thể, nhất là được hưởng một phần lợi ích từ Quỹ bảo vệ môi trường khi thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ khích lệ họ làm việc, thúc đẩy phân loại, tái chế rác, bảo vệ môi trường./.

Hoàng Vân


Tác giả: Nguyễn Hoàng Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết