A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
 


Vĩnh Phúc đặt mục tiêu và chỉ tiêu trong năm 2024 tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Tỉnh yêu cầu, ngành chức năng, cơ sở đạo tạo nghề... triển khai đồng bộ hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, môi trường sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng cho 22.500 người; trong đó, trình độ Cao đẳng 1.600 người, trình độ Trung cấp 5.500 người, trình độ Sơ cấp và dưới 3 tháng 15.400 người. Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 80,8%, trong đó, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 38,7%.

Để thực hiện đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu, các ngành, địa phương tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; chính sách hỗ trợ học trình độ Cao đẳng, Trung cấp, học chương trình chất lượng cao; hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ Sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa… bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Các ngành chức năng và cơ sở đào tạo rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trên cơ sở đó, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp.

Đặc biệt, các đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, ngành nghề trọng điểm, ngành nghề chất lượng cao theo đúng quy định; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị, địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ, hằng năm cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, thực hiện đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhiều năm qua, việc đào tạo nghề ở Vĩnh Phúc còn có những hạn chế. Tỉnh luôn trong tình trạng thiếu người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thợ lành nghề trong khi đó nhiều doanh nghiệp đang cần lao động có trình độ chuyên môn cao, số lượng lớn.

Trong một số buổi tiếp xúc giữa các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn gần đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ở các lĩnh vực may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, giày da... có thể sử dụng đại đa số lao động phổ thông, lao động có trình độ chuyên môn tay nghề 10 - 20% là lực lượng nòng cốt hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực sản xuất khác, công việc liên quan nhiều đến vận hành máy móc, gia công cơ khí, lắp giáp động cơ, thiết kế, chế tạo, tôi luyện kim loại... buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo hệ dài hạn, tập trung từ Trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ càng cao càng tốt bởi liên quan đến an toàn, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động.

Khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, tỉnh đang từng bước đầu tư cho một số cơ sở đào nghề về trang thiết bị, có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên trong khi học ở các trường nghề như, hỗ trợ tiền đào tạo, đi lại...

Tỉnh yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề quan tâm và tập trung đào tạo lao động theo hệ tập trung, dài hạn. Vĩnh Phúc sắp xếp tinh gọn cơ sở đào tạo nghề, xóa bỏ cơ sở dạy nghề yếu kém toàn diện. Địa phương thực hiện linh hoạt việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia toàn diện của doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, đánh giá, phản biện nội dung chương trình để nhà trường cải tiến, chỉnh sửa phù hợp thực tế.

Thời gian gần đây, một số Trường Cao đẳng đào tạo nghề đứng chân tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã ký thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng hàng chục ngàn nhân lực tay nghề cao giai đoạn 2020-2025, giai đoạn 2025-2030.../.

Nguyễn Trọng Lịch


Tác giả: Nguyễn Trọng Lịch
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết