A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho Tết Nguyên đán 2024

Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 2/12/2023 gồm các thông tin thị trường hàng hoá, xuất nhập khẩu đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:

Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho Tết Nguyên đán 2024; 8 thương nhân được phân giao nhập khẩu 107 nghìn tấn đường; Gạo và rau quả - điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu ngành nông nghiệp; Xuất khẩu thủy sản đã lấy lại “sắc xanh tăng trưởng” tại nhiều thị trường; Gạo ST25 của Việt Nam lần thứ 2 thắng giải gạo ngon nhất thế giới.

Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho Tết Nguyên đán 2024

undefined
UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu

Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân Thủ đô, góp phần ổn định thị trường và bảo đảm an sinh xã hội, mới đây, UBND TP. Hà Nội đãchỉ đạo các đơn vị theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết; không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, tăng giá đột biến.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng để bình ổn thị trường phục vụ Tết. Cùng đó, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện lực trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024.

Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội yêu cầu lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường công tác ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu; buôn bán, sản xuất hàng giả; hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, yêu cầu UBND các địa phương bố trí địa điểm cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng, điểm kinh doanh, bố trí tổ chức các hội chợ, chợ hoa, điểm bán hàng phục vụ Tết. Mục tiêu cao nhất là hướng đến đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân và chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.

8 thương nhân được phân giao nhập khẩu 107 nghìn tấn đường

Bộ Công Thương vừa tổ chức thành công Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá. Kết thúc Phiên phân giao, 8 thương nhân đã đấu giá thành công với 107.000 tấn đường.

Tham gia Phiên phân giao năm nay với 8 thương nhân có hồ sơ hợp lệ. Kết thúc phiên phân giao, Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 đã công bố: Công ty CP Đường Việt Nam được phân giao 20.000 tấn; Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hoà được phân giao 20.000 tấn; Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hoà được phân giao 20.000 tấn; Công ty TNHH MTV Đường Biên Hoà – Ninh Hoà được phân giao 20.000 tấn; Công ty CP Mía đường Lam Sơn được phân giao 20.000 tấn; Công ty CP Mía đường Sơn La được phân giao 5.000 tấn; Công ty CP Mondelez Kinh Đô Việt Nam được phân giao 1.000 tấn và Công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc được phân giao 1.000 tấn.

Tổng hợp số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được phân giao cho các doanh nghiệp đợt này là 107.000 tấn, thấp hơn so với tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá được phân giao là 119.000 tấn.

Gạo và rau quả - điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu ngành nông nghiệp

Trong 11 tháng qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, sản phẩm. Trong đó, điểm sáng lớn nhất là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt trong nhiều tháng, bên cạnh một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm sâu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước đạt 85,13 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022; xuất siêu 10,55 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong thời kỳ này, một số ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng vọt như xuất khẩu rau quả đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; gạo 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%. Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi có giá trị xuất khẩu đạt 453 triệu USD, tăng 23,5%. Nhìn chung, nhóm nông sản xuất khẩu thời kỳ này đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 11 tháng năm 2023, ngành nông nghiệp xuất siêu 10,55 tỷ USD tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 12 tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...

Xuất khẩu thủy sản đã lấy lại “sắc xanh tăng trưởng” tại nhiều thị trường

undefined
Trong tháng 11/2023, xuất khẩu thủy sản tăng 6% so với cùng kỳ

Trong tháng 11/2023, xuất khẩu thủy sản tăng 6% so với cùng kỳ, đạt gần 840 triệu USD, trong đó, nhiều mặt hàng ghi nhận xuất khẩu tăng trở lại và tại nhiều thị trường chủ lực, xuất khẩu thủy sản đã lấy lại được “sắc xanh tăng trưởng”.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, kết thúc tháng 11/2023, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 11/2023, xuất khẩu tăng 6% so với tháng 11/2022, đạt gần 840 triệu USD.

Đáng chú ý, trừ nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%...

Hết tháng 11, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu giảm ở các thị trường chính, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022.

Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phile, thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.

Với diễn tiến hiện nay, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước tính sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc ước đạt 660 triệu USD…

Gạo ST25 của Việt Nam lần thứ 2 thắng giải gạo ngon nhất thế giới

Gạo ST25 - thương hiệu Gạo Ông Cua của Việt Nam đã vượt qua gạo của hai nước Campuchia và Ấn Độ để đoạt giải nhất Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2023 vừa được tổ chức tại Philippines.Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 được tổ chức ở Philippines với sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo được gửi dự thi. Kết quả gạo ST25 đạt giải nhất, gạo của Campuchia đạt giải nhì và Ấn Độ đạt giải 3.

Gạo ST25 (giống gạo thơm Sóc Trăng) là kết quả nghiên cứu suốt 20 năm của kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua.

Giống ST25 là thế hệ mới nhất của dòng lúa thơm lừng danh với nhiều phẩm chất được xếp vào hàng "thượng hạng". Từ việc tuyển chọn hạt giống, đến việc gieo trồng đều tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt của quy trình sản xuất gạo hữu cơ.

Theo ông Hồ Quang Cua sau khi đạt giải gạo ngon nhất năm 2019, với dòng 68-10, ông và các cộng sự tiếp tục thanh lọc bằng cách trồng thuần từng cá thể lúa và đến 2021, dòng 72-6 được phát hiện.

Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới là sự kiện thường niên quốc tế được The Rice Trader (Mỹ) tổ chức lần đầu năm 2009 với mục tiêu tìm hướng đi và xu hướng cho thị trường lúa gạo.


Tác giả: Thực hiện Nhóm phóng viên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết