A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đề nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức giải quyết đơn của công dân

Do chưa nhận được văn bản trả lời kiến nghị của người dân từ UBND TP Thủ Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp tục có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức xem xét, giải quyết đơn kiến nghị của công dân theo thẩm quyền, trả lời công dân và thông báo kết quả đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP chậm nhất là ngày 10/12/2023.

Article thumbnail
Ông Bùi Thanh Tuấn (ngụ tại đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) chưa đồng thuận với phương án bồi thường vì cho rằng giá đền bù đất nông nghiệp hiện còn thấp so với thực tế... Ảnh: Nam Hà

Đề nghị giải quyết kiến nghị của công dân

Ngày 3/11/2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã có Công văn số 55/ĐĐ-ĐĐBQH gửi Chủ tịch UBND TP Thủ Đức về việc đôn đốc giải quyết đơn của ông Bùi Thanh Tuấn (ngụ tại đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) với nội dung kiến nghị về việc không đồng ý đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự án thành phần 2, đường Vành đai 3 qua TP HCM trên địa bàn TP Thủ Đức…

“Liên quan đến vụ việc trên, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP đã có Phiếu chuyển số 318/PC-ĐĐBQH ngày 25/7/2023, chuyển đến Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Đến nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cũng như người dân vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đề nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức xem xét, giải quyết đơn của ông Bùi Thanh Tuấn theo thẩm quyền, trả lời công dân và thông báo kết quả đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM chậm nhất ngày 10/12/2023”, công văn của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết.

Trước đó, ngày 7/8/2023, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM có Phiếu chuyển số 225/VP-PDN gửi UBND TP Thủ Đức, liên quan đến đơn có nội dung kiến nghị xem xét lại chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 2, đường Vành đai 3 qua TP HCM trên địa bàn TP Thủ Đức…

Trao đổi với PV, ông Bùi Thanh Tuấn cho biết, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức xem xét, giải quyết đơn kiến nghị của ông. Tuy nhiên, đến nay, những kiến nghị vẫn chưa được UBND TP Thủ Đức có văn bản trả lời…

Ngày 16/11/2023, tại UBND phường Trường Thạnh, trong hội nghị công bố phương án bồi thường, người dân đề nghị cần phải công khai chứng thư thẩm định giá để người dân  giám sát, kiểm tra... Ảnh: Nam Hà

Đề nghị công khai chứng thư thẩm định giá

Ngày 9/11/2023, tại buổi họp báo do UBND TP HCM tổ chức, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức cho biết, đơn vị đã tổ chức chi trả tiền 412/587 trường hợp bị ảnh hưởng; có 286/412 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng với tổng diện tích bàn giao mặt bằng 89,029ha, chiếm 89,19%... Còn tình trạng người dân chưa bàn giao đất vì cho rằng giá bồi thường đất nông nghiệp còn thấp.

Liên quan tới vấn đề này, Báo Thanh tra đã có bài viết phản ánh về việc một số hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng vì cho rằng giá bồi thường đất nông nghiệp chưa phù hợp với tình hình thực tế…

Điển hình, trường hợp của ông Bùi Thanh Tuấn (bị thu hồi hết hơn 841m2 đất trồng cây lâu năm, nằm vị trí 1 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh; thửa đất số 502, tờ bản đồ số 36). Ông Tuấn cho rằng, khu đất của mình nằm ngay mặt tiền đường và đã xây dựng nhà xưởng cho thuê từ nhiều năm qua. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, theo chính sách bồi thường thì đơn giá không bám sát giá thị trường. Hiện tại, giá đất mặt tiền khu vực nhà ông bị giải tỏa đang giao dịch ở mức trên dưới 100 triệu đồng/m2. Với mức giá bồi thường, hỗ trợ mà gia đình ông được hưởng là 7,6 triệu đồng/m2 (với hệ số K là gần 17,05) thì gia đình chỉ nhận được khoảng 6,4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần mức giá đang giao dịch trên thị trường…

Tương tự, ông Lê Minh Thắng (bị thu hồi hơn 3.600m2 đất tại địa chỉ số 200 đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh) cho biết, trong hơn 3.600m2 đất bị thu hồi có 108m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Giá đền bù đất thổ cư là hơn 69 triệu đồng/m2 nhưng đất trồng cây lâu năm chỉ 7,6 triệu đồng/m2 là quá thấp. "Chúng tôi thấy sự chênh lệch quá lớn giữa đất thổ cư và đất nông nghiệp (chênh lệch hơn 60 triệu đồng/m2)".

Bên cạnh đó, nhiều người dân bị thu hồi đất cho rằng, việc áp dụng hệ số K đối với từng loại đất, từng khu vực như hiện nay là chưa phù hợp. Không thể có chuyện đất ở mặt tiền các đường lớn hiện hữu hệ số K lại thấp hơn đất nằm sâu bên trong, đất không tiếp giáp đường. Đây là điều vô lý và không phù hợp thực tế. Giá đền bù đối với đất tiếp giáp mặt đường lớn cần phải tính gấp vài lần so với đất ở trong vùng sâu xa, ngõ hẻm hoặc đất không có lối đi vào…

Ngày 5/10/2023, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 4543/QĐ-UBND phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… tại dự án thành phần 2, đường Vành đai 3 qua TP HCM trên địa bàn TP Thủ Đức.

Ngày 16/11/2023, UBND phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, mời nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này đến để công bố quyết định phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án tại phường Trường Thạnh.

Ghi nhận tại buổi công bố, nhiều người dân đã phản ứng, bức xúc về việc áp giá bồi thường không có gì thay đổi so với phương án trước đây. Thậm chí, người dân còn đề nghị cần phải công khai chứng thư thẩm định giá (cơ sở để xây dựng phương án bồi thường)…

Trao đổi với PV, ông Bùi Thanh Tuấn cho rằng "cần phải xem lại việc Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức thuê đơn vị để lập chứng thư định giá đất, vì giá bồi thường đất nông nghiệp do Nhà nước đưa ra thấp hơn nhiều so với giá mà người dân thuê đơn vị thẩm định. Cụ thể, giá đất nông nghiệp người dân thuê đơn vị thẩm định lên đến 33 triệu đồng/m2, còn giá đơn vị Nhà nước thuê đơn vị thẩm định chỉ 7,6 triệu đồng/m2. Do đó, tôi đề nghị cần phải công khai chứng thư thẩm định giá để người dân có thể giám sát, kiểm tra… Từ đó, người dân mới biết được đơn vị thẩm định giá căn cứ vào đâu mà đưa ra mức giá bồi thường quá thấp như vậy".

Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng đất thuộc vị trí 1 (tiếp giáp đường lớn) có các yếu tố, điều kiện thuận lợi hơn đất có vị trí 2, 3… Quyết định số 4543/QĐ-UBND nói trên quy định hệ số K của đất có vị trí 1 thấp hơn vị trí 2, 3 nhưng không kèm thuyết minh chi tiết, rõ ràng vì sao lại có hệ số K như vậy, nên nhiều người dân thắc mắc. Người dân cần được biết cơ quan chức năng căn cứ vào điều kiện gì, tiêu chí nào để tính ra hệ số K như vậy. Cần phải phân tích cho người dân rõ các tiêu chí phân loại để tính hệ số K thì người dân mới hết thắc mắc…

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết