A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giữ vững bản sắc đối ngoại Việt Nam, ứng phó với “vạn biến” của thế giới

Trước những biến chuyển lớn của thời đại, đối ngoại Việt Nam càng thể hiện rõ ràng bản sắc để bảo vệ vững chắc và phát huy mạnh mẽ lợi ích của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp cả nước chuẩn bị đón Xuân Quý Mão 2023.

Phóng viên (PV): Năm 2022 là một năm đầy biến động khó lường với những yếu tố như suy thoái kinh tế, cạnh tranh nước lớn... đặt ra nhiều thách thức đến kinh tế, chính trị thế giới. Ngành ngoại giao Việt Nam đã chủ động dự báo, thay đổi và thích ứng như thế nào trước bối cảnh này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm 2022, thế giới có những biến động hết sức nhanh chóng, phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Trong nước, đây là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là sau khi chính thức mở cửa trở lại từ tháng 3-2022, chúng ta tiếp tục tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19, giữ ổn định chính trị-xã hội và phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh phát huy năng lực dự báo, tham mưu, như: Xác định rõ trọng tâm nghiên cứu dự báo, nhất là xu thế dịch Covid-19, chính sách mở cửa và phục hồi của các nước, các diễn biến trong quan hệ nước lớn, những xu hướng đa phương, liên kết mới và những vấn đề an ninh phi truyền thống để từ đó có những kiến nghị phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; phát huy tối đa vai trò “ăng-ten đối ngoại” của toàn bộ 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với vai trò phân tích, dự báo từ sớm, từ xa ngay từ các địa bàn ngoài nước, từ tiếp xúc đối ngoại, phân tích động thái sở tại đến tham mưu chính sách, biện pháp; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu của các ban, bộ, ngành cũng như tham khảo ý kiến các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh nghiệm, mô hình xử lý những vấn đề kinh tế, phát triển của các nước phục vụ chính sách điều hành kinh tế-xã hội (KT-XH) của Chính phủ...

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với tình hình mới. Các hoạt động đối ngoại sôi động, nhất là đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, với gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt, trong đó có 34 hoạt động trực tiếp gồm 15 đoàn thăm nước ngoài và 19 đoàn nước ngoài thăm Việt Nam; 36 hoạt động trực tuyến gồm các cuộc hội đàm, điện đàm, hội nghị trực tuyến.

Trước diễn biến của tình hình xung đột Nga-Ukraine, Bộ Ngoại giao đã kịp thời bảo đảm lợi ích của đất nước, bảo hộ công dân Việt Nam bị ảnh hưởng, đóng góp vào các nỗ lực quốc tế hỗ trợ người dân...; kịp thời có bước chuyển linh hoạt nhiệm vụ trọng tâm từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển KT-XH để thích ứng với tình hình mới của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Jean-Pierre Lacroix, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình nhân chuyến thăm Việt Nam, tháng 11-2022. Ảnh: ĐOÀN CA 

PV: Từ trọng tâm là ngoại giao vaccine trong hai năm 2020-2021, đến năm 2022, lĩnh vực kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại. Đề nghị Bộ trưởng phân tích rõ hơn sự thay đổi và thích ứng này?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong năm 2022, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, đóng góp vào thành tích tăng trưởng GDP 8,02%, thể hiện ở một số mặt: Trước hết, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XIII về xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Thứ hai, hợp tác kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong tất cả hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, đạt kết quả thiết thực, cụ thể. Trong dịp diễn ra các hoạt động đối ngoại cấp cao, đã có khoảng 150 văn kiện, thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Thứ ba, ngành ngoại giao tiếp tục đóng góp đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Kịp thời, nhanh nhạy tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nhất là các nguồn tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng và các ngành công nghệ cao...

Thứ tư, bước đầu triển khai hiệu quả chủ trương lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực đồng hành, kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế.

Thứ năm, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tiếp tục chủ động, nhạy bén trong công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành KT-XH của Chính phủ, bám sát nhu cầu trong nước và các trọng tâm của Chính phủ.

PV: Bộ trưởng cho biết phương hướng và biện pháp triển khai công tác ngoại giao kinh tế đóng góp vào phát triển KT-XH năm 2023, thực hiện các mục tiêu Chính phủ đặt ra?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Để đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH đất nước, trong năm 2023, Bộ Ngoại giao đã xác định triển khai 4 trọng tâm ngoại giao kinh tế. Một là, tiếp tục triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tranh thủ và phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước... Hai là, tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc và gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với các đối tác; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trong đó, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả, thực chất. Ba là, ngành ngoại giao chú trọng năng lực phân tích, dự báo chiến lược, cảnh báo phục vụ điều hành KT-XH của Chính phủ; bám sát tình hình, biến động của kinh tế thế giới, các điều chỉnh chiến lược, chính sách và sáng kiến của các quốc gia để kiến nghị đối sách, biện pháp ứng xử phù hợp. Bốn là, đổi mới phương thức, tăng cường năng lực triển khai và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác ngoại giao kinh tế...

PV: Trước những biến chuyển lớn của thời đại, đối ngoại Việt Nam càng thể hiện rõ ràng bản sắc để bảo vệ vững chắc và phát huy mạnh mẽ lợi ích của đất nước. Bộ trưởng có bình luận gì về điều này?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Bản sắc ngoại giao Việt Nam có cội nguồn là những triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Bản sắc đó được nâng lên một tầm cao mới bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh-Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam hiện đại.

Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.

Tình hình càng phức tạp thì càng kiên trì về nguyên tắc, càng linh hoạt về sách lược. Đối ngoại Việt Nam dựa vào cái “bất biến” là bản sắc đối ngoại, đường lối đối ngoại để ứng phó với cái “vạn biến” của thế giới, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, lẽ phải, chính nghĩa, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại, đóng góp vì một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển. Đó cũng chính là vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, như đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

PHƯƠNG LINH (ghi)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết