A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Cách đây 63 năm, trong lễ kỷ niệm Đảng ta tròn 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh".

Lời khẳng định của vị lãnh tụ trực tiếp sáng lập và rèn luyện Đảng ta vẫn nguyên vẹn giá trị, không chỉ tổng kết của một giai đoạn, một thời kỳ mà còn là nguyên tắc trong xây dựng Đảng cầm quyền.

Xây dựng Đảng về đạo đức là toàn bộ hoạt động của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên với sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong việc định hình, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng.

Ở Việt Nam, khi trở thành đảng duy nhất cầm quyền thì vấn đề giữ vững bản chất cách mạng, đạo đức trong sáng của Đảng ta là vấn đề vừa cấp thiết, vừa thường xuyên và lâu dài.

Kỷ niệm 93 năm ngành thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đạo đức là gốc, là nền tảng của Đảng, cho nên từ sự suy thoái về đạo đức sẽ kéo theo sự suy thoái của Đảng trên tất cả các lĩnh vực và tất yếu đánh mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Đảng sẽ tự đánh mất vai trò lãnh đạo và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình.

Là người trực tiếp sáng lập và rèn luyện Đảng ta, ở những bước ngoặt của sự nghiệp cách mạng, của vận nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947 khi cả nước bước vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính...".

Ngần ấy chữ thôi cũng đã bao hàm trọn vẹn sự cần thiết cũng như nguyên tắc, phương thức, mục tiêu xây dựng Đảng ta về đạo đức. Đó cũng là những tình cảm, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ta thành một đảng của đạo đức, của văn minh.

Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội II của Đảng họp vào tháng 2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trực tiếp đề cập đến vấn đề xây dựng những nền tảng đạo đức cho Đảng ta.

Người thẳng thắn chỉ rõ những "căn bệnh" lúc bấy giờ như là thách thức cho việc tạo nền tảng đạo đức của Đảng như bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần. Người đã chỉ ra để khắc phục những căn bệnh đó cần phải "củng cố mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Phải đề cao tinh thần kỷ luật, tinh thần nguyên tắc, tinh thần Đảng của mỗi đảng viên. Phải mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân. Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên. Sau hết là Đảng phải có sự kiểm tra chặt chẽ".

Đọc lại, tưởng như Người vẫn đang nói cùng chúng ta hôm nay.

Nhìn lại tiến trình 93 năm đi cùng lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, từ một Đảng còn hoạt động bí mật đến lãnh đạo đất nước kháng chiến, kiến quốc và đổi mới, thực tiễn cho thấy xây dựng Đảng ta về đạo đức luôn thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định mạnh mẽ việc xây dựng Đảng về đạo đức là "nền tảng", là "cái gốc" cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Văn kiện XIII của Đảng cũng đề ra nhiệm vụ: "Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc". Đồng thời, khắc phục tình trạng "Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Xây dựng Đảng về đạo đức thực tế là gắn xây dựng đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cần phải hết sức quan tâm thực hành rộng rãi dân chủ trong Đảng, phải nghiêm chỉnh thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về xây dựng Đảng, thực hiện sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin và chế độ trách nhiệm trong Đảng, trong các cơ quan công quyền, trong các tổ chức đoàn thể để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Xuân này Đảng ta tròn 93 tuổi. Sức xuân của Đảng cũng là sức xuân của đất nước, của sự nghiệp đổi mới, của sự phát triển đất nước bền vững và phồn thịnh. Trong điều kiện hiện nay, khi Đảng lãnh đạo đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, cũng như khi đối diện với những khó khăn, thách thức mới, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức càng cần được coi trọng hơn. Vấn đề này cần có những nhận thức mới, những nội dung và nguyên tắc cụ thể, phù hợp hơn với những biến đổi của thực tiễn, để Đảng thật sự "là đạo đức, là văn minh", ngang tầm nhiệm vụ và luôn đại diện cho giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đó cũng là tinh thần như nhà thơ Tố Hữu khẳng định: "Đường đi muôn dặm, đã ngời mai sau… Ngọn cờ đỏ trên đầu phấp phới".

 

Tác giả: Quang Lộc
Nguồn:congthuong.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết