A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tái hiện hồn cốt văn hóa cung đình

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt vùng châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Một trong những dấu tích nổi bật của khu di sản là hồ sen-một phần của dòng sông cổ, hiện nay trở thành điểm tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Thăng Long-Hà Nội có đặc trưng là đô thị sông hồ điển hình. Khi quá trình kiến tạo địa chất đã định hình, Hà Nội lại có địa thế “núi chầu sông tụ”, là thắng địa đế đô. Theo sử sách, đó là lý do Vua Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào mùa thu năm 1010. Tại đây, Vua Lý Thái Tổ huy động mọi nguồn lực quy hoạch xây dựng kinh đô bài bản theo mô hình đô thị kiểu phương Đông với ý tưởng lấy các sông tự nhiên như sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Thiên Phù và sông Kim Ngưu làm đại thành hào, có vai trò bảo vệ toàn bộ kinh thành.

PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học cho biết, những kết quả khai quật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhiều năm qua đã và đang góp phần làm sáng tỏ những thông điệp từ quá khứ bằng sự xuất lộ của quần thể di tích kiến trúc quý giá cùng nhiều chứng cứ về các ao, hồ, dòng chảy từng xuất hiện nơi đây. Trong đó, đoạn sông cổ nằm giữa khu A và B khu di tích mang lại rất nhiều chứng cứ về một hồ nước lớn, một môi trường có hệ động thực vật đã từng sinh sống ở đây. Hồ nước lớn được đào vào thời Lê, lộ rõ hai bờ Đông-Tây có chiều rộng 48m, hướng dòng chảy theo chiều Bắc-Nam đã phát lộ 140m với diện tích 6.720m2.

Đoàn rước thực hành nghi lễ thả cá chép tại đoạn sông cổ trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. 

Đặc biệt, sát bờ Đông có phát hiện con thuyền gỗ dài khoảng 14m còn khá nguyên vẹn với di vật bánh lái thuyền gỗ. Con thuyền hiện đang được bảo tồn nguyên trạng, trên bề mặt có kính chịu lực để du khách tham quan hình dung ra sự tồn tại của dòng sông trong quá khứ.

“Kết quả khai quật này là tài liệu vô cùng quý giá không chỉ phản ánh lịch sử Thăng Long mà còn cho chúng ta hiểu thêm về môi trường sinh thái mặt nước và đời sống hoàng cung trong Cấm thành Thăng Long”, PGS, TS Tống Trung Tín khẳng định.

Hiện nay, hồ cổ đã được phục hồi một phần và phát huy giá trị, được trùng tu, tôn tạo làm hồ sen, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của đông đảo nhà khoa học và du khách. Con thuyền cổ-hiện vật đặc biệt, minh chứng sống động, hấp dẫn về cuộc sống hoàng cung xưa cũng được bảo quản tại chỗ để du khách chiêm ngưỡng từ trên cầu dẫn vào. Trong những năm qua, nhằm phát huy giá trị di sản khảo cổ học và đẩy mạnh nghiên cứu thể nghiệm văn hóa phi vật thể lễ hội cung đình, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã tái hiện hàng loạt nghi lễ, từng bước làm sống lại hồn cốt của văn hóa cung đình, trong đó nổi bật là nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, trong cung đình Thăng Long xưa, Tết Nguyên đán là lễ tiết lớn nhất, được thực hiện theo một chuỗi sự kiện trước thời khắc năm mới như: Tiến Xuân ngưu, ban lịch, phong ấn, thả cá chép, dựng cây nêu... Trong đó, việc thực hành thả cá chép tại dòng sông cổ nhằm gìn giữ, phát huy di sản tại Hoàng thành Thăng Long, làm giàu thêm các sản phẩm văn hóa, chương trình giáo dục di sản tại điểm đến được Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị.

Bài và ảnh: NGỌC THANH

 


Tags: văn hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết