A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

 Dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật "quản" quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tương đối đầy đủ và chặt chẽ, nhưng tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có tác dụng như thuốc chữa bệnh diễn ra ngày càng phổ biến, cần sự chung tay của các bộ, ngành và các cơ quan chức năng.

Cục ATTP vừa phát hiện thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Vị Khang và thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạ dày Mộc Vị Khang đang quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Ảnh minh họa: Internet

Phát hiện, xử lý đến cùng vụ việc còn hạn chế

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, trong 2 năm 2020 - 2021, qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội và phản ánh của người tiêu dùng, đơn vị đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng.

Mặc dù hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Hành lang pháp lý về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được quy định cụ thể, có tính răn đe cao. Tuy nhiên, theo ông Phong, việc phát hiện, xử lý đến cùng vụ việc còn hạn chế.

Hiện nay, những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe chủ yếu như: Quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cũng theo Cục ATTP, thực tế, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Với các trường hợp này, cục đã cảnh báo trên website của cục và thông báo để các báo đăng tin.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã rất rõ ràng và đầy đủ, cụ thể ở đây là trước khi quảng cáo người có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng như các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định của cơ quan chuyên môn, không được quảng cáo khi chưa thẩm định nội dung hoặc quảng cáo sai với nội dung đã được thẩm định, nghiêm cấm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh, không được sử dụng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cơ quan y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý cho thấy, đa số các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về quảng cáo. Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức, cá nhân có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thì vẫn còn rất nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận vẫn cố tình thực hiện quảng cáo sai quy định của pháp luật, đặc biệt là lợi dụng và giả mạo danh nghĩa, uy tín của cơ quan y tế, thậm chí cắt ghép, giả mạo hình ảnh của các cơ quan truyền thông Trung ương như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để quảng cáo, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

“Đây là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là quảng cáo trên các trang mạng xã hội, quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ngoài vi phạm của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm, còn có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phát hành quảng cáo. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển thì việc lợi dụng mạng xã hội để đưa ra nội dung quảng cáo không đúng sự thật đã gây bức xúc dư luận xã hội.

Cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã tích cực xử lý vi phạm và đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn để kiên quyết xử lý, tuy nhiên tình trạng đó vẫn không giảm.

Để xử lý, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm này, đại diện Bộ Y tế cho biết, phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, nhiều bộ ngành và các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chân chính, lành mạnh phát triển, đồng thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm.

Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tiên đại chúng theo quy định của pháp luật. Trong đó, Bộ Công thương cần tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Bộ Thông tin và Truyền thông, sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được phép của cơ quan chức năng; có biện pháp mạnh với việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần tăng cường truyền thông, tuyên truyền các quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm của người tiêu dùng như là thuốc chữa bệnh…

Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các tên miền vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi quảng cáo lừa dối người tiêu dùng...

Bộ Y tế cũng kiến nghị với Chính phủ sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, quy định chặt chẽ hơn điều kiện để đăng ký bản công bố sản phẩm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết