A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cân nhắc việc tính phí cao tốc hợp lý

Dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ Giao thông vận tải xây dựng, trong đó đề xuất thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Vấn đề này hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh luồng dư luận cho rằng việc thu phí là cần thiết, hợp lý thì cũng có quan điểm đề nghị nên xem xét, cân nhắc để tránh hiện tượng phí chồng phí do người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ nay lại thêm tiền sử dụng đường cao tốc.

Đặc thù của các tuyến đường cao tốc đã đưa vào sử dụng và đang tiếp tục triển khai xây dựng hiện nay là phát triển hướng tuyến mới, đi song song với quốc lộ hiện hữu. Khác với việc cải tạo, nâng cấp quốc lộ theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) trước đây được thực hiện trên tuyến độc đạo, các dự án xây mới đường cao tốc giúp người dân thêm lựa chọn bên cạnh hệ thống giao thông hiện có. Phần lớn người tham gia giao thông đều sẵn sàng trả tiền để đi đường cao tốc mới thay vì quốc lộ cũ, vì tốc độ lưu thông nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, bảo đảm an toàn. Do đó, nên nhìn nhận ở khía cạnh chất lượng dịch vụ mà người tham gia giao thông được cung cấp khi có đường cao tốc. Mức phí sử dụng đường cao tốc chính là để duy trì và mở rộng hơn nữa những tiện ích, dịch vụ đó.

Trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh minh họa: Vietnam+

Tuy nhiên, do được Nhà nước đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nên mức thu, lộ trình, cách thức thu phí đường cao tốc cần được cân nhắc, tính toán hợp lý, bảo đảm không quá cao so với mức chi trả của đại bộ phận người dân và không tạo áp lực lớn lên nền kinh tế. Phí đường bộ không chỉ tác động đến người trực tiếp tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến giá cước vận tải. Nếu mức phí quá cao sẽ khiến giá cước tăng cao, tạo gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua. Nguồn lực rất lớn đã được dành cho các công trình, dự án, hướng đến mục tiêu giao thông đi trước mở đường. Mặc dù vậy, trong bối cảnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa khó khăn, gánh nặng đầu tư hạ tầng giao thông vẫn đang dồn lên vai Nhà nước trong khi nhu cầu vốn ngày càng cao. Nếu có thêm dòng tiền từ thu phí đường cao tốc, Nhà nước sẽ có nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng. Tiền thu phí sẽ quay trở lại phục vụ cộng đồng, xã hội thông qua việc tiếp tục triển khai các dự án thiết yếu. Không khó để nhận thấy, đường sá mở ra đến đâu góp phần quan trọng giúp cuộc sống người dân no đủ hơn, sung túc hơn đến đó. Những lợi ích từ hoàn thiện hạ tầng giao thông mang lại cho kinh tế-xã hội đất nước khó có thể đong đếm hết được. Nước ta vẫn là nước đang phát triển, yêu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông là rất cấp thiết, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Cùng với huy động nguồn lực, việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cũng là yêu cầu quan trọng không kém. Muốn như vậy, cần ưu tiên các công trình, dự án có tính kết nối liên vùng, lộ trình đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, không nên dàn trải. Quá trình triển khai dự án cần thực hiện quyết liệt để hoàn thành dứt điểm, sớm đưa công trình vào sử dụng, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường cao tốc cần mang tầm nhìn dài hạn, tránh việc công trình mới hoàn thành không lâu đã phải nâng cấp, sửa chữa, gây lãng phí nguồn lực. 


Tags: cao tốc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết